Đặng Huy Văn: Quê tôi có ngôi chùa cổ Tịnh Lâm rất đẹp. Chùa nằm trên một ngọn đồi có tên là Rú Trò nhìn xuống một bàu nước rộng. Bàu nước này được nối với dòng sông Kẻ Gỗ thủy triều lên xuống ngàn đời ôm lấy quê hương yêu dấu của tôi. Nghe ông nội tôi kể, chùa đã được lập ra từ thời Trần. Đến thời Lê, chùa được tôn tạo lại đàng hoàng hơn. Đặc biệt là thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Chúa Trịnh đã lấy một bà ở quê tôi làm phi. Bà Phi này sau đó đã công đức xây dựng lại chùa Tịnh Lâm khang trang, có nhiều tượng Phật, ban thờ, bát nhang, có chính điện, bái đường, hậu cung và nhà Tăng như các chùa lúc bấy giờ ở ngoài Bắc. Đến đời Vua Tự Đức, nhiều người đỗ đạt ở Hà Tĩnh, Nghệ An đã công đức tôn tạo lại chùa Tịnh Lâm một lần nữa. Lần này, ngoài việc mở rộng bái đường và hậu cung ra, còn xây lại nhà Tăng rộng rãi khang trang hơn để cho sư thầy, các tiểu và khách thập phương có chỗ ở, chỗ ăn và chỗ học. Quả chuông lớn hiện nay vẫn còn nghe nói cũng đã được đúc từ thời Tự Đức.
Nhưng rồi năm 1954, đội CCRĐ về bài trừ mê tín dị đoan nên Sư Thầy đã bị bắt đi tù rồi chết. Từ đó chính quyền xã đã cấm tăng ni phật tử đến hương khói tại chùa. Các tượng Phật bằng đồng bằng gỗ, đồ thờ cúng... cứ mất dần. Đến tháng 9 năm 1963 khi tôi viết bài thơ này thì Chùa Tịnh Lâm chỉ còn lại cái xác chùa đổ nát. Mãi đến năm 2009, Chùa Tịnh Lâm mới được bà con phật tử công đức xây dựng lại như ngày nay.
Chuông chùa khắc khoải nguyện hồn ai?
(Mến tặng bà con phật tử chùa Tịnh Lâm, Thạch Hà, Hà Tĩnh)
Lên thăm Chùa Tịnh đêm thanh vắng
Trăng sáng ngày rằm chiếu thảnh thơi
Chuông chùa đã biết bao năm lặng
Và giữa đêm trăng vắng bóng người!