Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

ÔNG NGHE CHĂNG TIẾNG SÚNG Ở HẢI PHÒNG

(Kính viếng hương hồn ông ngoại)

Ông ngoại đã nằm đây hơn sáu chục năm rồi!
Đất nước đã đổi thay, chắc ông chưa được biết
Cái gậy Cụ Hồ tặng ngày ông lên Việt Bắc[1]
Có kẻ đã lấy làm gậy chăn bò một dạo, ông ơi!


Cháu đã đi thăm Miền Trung, nơi ông sống một thời
Nhiều cụ già còn nhớ thuở ông làm huyện quan ở đó[2]
Liêm khiết, thương dân, yêu con cháu họ
Ghét giặc Pháp xâm lăng và vua chúa ăn chơi

Cũng cùng học với Cụ Hồ, cũng căm thù giặc Pháp
Nhưng chủ trương yêu nước và đường đi hơi khác
Ông khuyến khích cháu con học giỏi để giúp đời
Không tán thành cảnh nồi da nấu thịt, máu xương rơi!

Con cháu nghe lời ông đều chăm lo học giỏi
Nhưng thời thế đổi thay khiến nhiều người chết đói![3]
Tận Suối Vàng ai nỡ nói cùng ông
Con cháu quá tủi thân chỉ biết gửi Non Hồng![4]

Giờ tại quê hương đã có trường học mang tên ông[5]
Lăng mộ ông, chúng cháu đã xây khang trang hơn trước
Nhưng đứng đây cháu vẫn đang thầm khóc
Bởi nước non chưa thỏa nguyện lòng ông!

Vì lũ quan tham đang xiết chặt xiềng gông
Lên cổ người nông dân ngày càng thêm thống khổ
Con cháu họ nhiều người học hành đang dang dở
Phải bỏ trường ra thành phố để kiếm công!

Ông nghe chăng tiếng súng ở Hải Phòng?[6]
Của một người nông dân bị quan tham cướp đất
Nay chúng vẫn nhốt anh ta trong ngục thất
Để đánh què kẻ đứng lên tuyên chiến với bất công!

Dân Việt mình đa số chỉ nghề nông
Lấy mồ hôi nước mắt để làm ra hạt gạo
Nuôi quan tham no cơm, chúng lại càng hung bạo
Đến bao giờ dân mới hết khổ, thưa ông?

Ruộng đất theo văn bản chính quyền là của công
Nhưng thực tế là của Tập Đoàn, của Nhóm
Người nông dân chỉ được làm thuê trên thửa ruộng
Mà đã ngàn đời truyền lại tự cha ông!

Ôi! Cháu lại lệ rơi nhìn lên đỉnh Non Hồng
Và cầu mong được thấy ông đang đứng đó!
Để xin ông một lời khuyên cho cả đàn cháu nhỏ
Ông ơi! Chúng cháu biết làm gì cho Tổ Quốc non sông?

Hà Nội, một chiều buồn, 20/2/2012
Đăng Huy Văn

[1] Nhà chí sĩ yêu nước Võ Liêm Sơn (1888-1949) quê tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh là bạn học của Cụ Hồ tại Huế. Năm 1912, Cụ đỗ cử nhân hán học rồi được cử làm quan Tri huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nhưng chưa đầy một năm đã bị Nam Triều huyền chức vì thanh liêm và không chịu phục tùng bọn tham quan ô lại Nam Triều. Sau đó, Cụ về làm quan giáo thụ và kiểm học. Năm 1919, Cụ lại về dạy Hán Văn và Việt Văn tại Quốc Học Huế, là thầy học của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1948, Cụ được Cụ Hồ mời lên Việt Bắc, ở lại đàm đạo thơ văn một thời gian, lúc về được Cụ Hồ tặng thơ và một chiếc gậy ngà có tay cầm khảm bạc và lời đề tặng. Năm 1955, trong CCRĐ, đã bị nông dân tịch thu chiếc gậy để chia quả thực. Người cố nông được chia đã dùng chiếc gậy ngà đi chăn bò một thời gian và phỉ nhổ “bọn địa chủ đã áp bức bóc lột nông dân để làm ra cái gậy ngà ấy” (lời thuyết minh trong triển lãm tội ác của địa chủ tại thị xã Hà tĩnh, 10/1955).

[2] Quan tri huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

[3] Năm 1955, trong CCRĐ, một số người cháu của Cụ học hành đỗ đạt nhưng đã bị bắt giam và nhiều người đã bị chết đói vì không còn gì để ăn do bị chính sách bao vây kinh tế đối với giai cấp địa chủ bóc lột. Ngày ấy, nếu Cụ Võ Liêm Sơn còn sống thì không ai biết điều gì sẽ xẩy ra với Cụ, vì Cụ là ngươi đứng đầu cái danh sách “Trí, Phú, Địa, Hào, ...” mà CCRĐ quyết tâm tiêu diệt. Thực tế, cũng đã có một số Cụ khoa bảng khác ở Hà Tĩnh đã bị xử tử hình hoặc chết trong các trại cải tạo CCRĐ vào thời ấy.

[4] Non Hồng hay núi Hồng Lĩnh. Quê hương Cụ Võ Liêm Sơn ngay chân núi Hồng Lĩnh, có đường lên Chùa Hương Tích, một cổ tự cùng tên nhưng có trước Chùa Hương tại Mỹ Đức, Hà Nội.

[5] Tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc quê hương Cụ đã có trường THCS Võ Liêm Sơn.

[6] Tiếng súng Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng bắn vào hàng trăm đồng chí bộ đội và công an đến cưỡng chế trái pháp luật và cướp phá nhà cùng tài sản của gia đình hai anh nông dân Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý hôm 5/1/2012. Hoàn toàn tương tự như vậy, năm 1928, một số nông dân tại xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cũng đã nổi dậy chống lại bọn quan lại ác bá tham lam cướp đất ruộng của dân, nhưng đã được xử trắng án.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét