Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

MỘT BÀI VIẾT ĐẦY XÚC ĐỘNG NHÂN DỊP NGÀY CỦA CHA

NHƯ NGUYỆT

Bố tôi là 1 người đàn ông rất đỗi hiền lành. Hiền đến độ có nhiều người trong họ hàng thân tộc nhà tôi đều nói là bố tôi hiền như Bụt. Hồi nhỏ, tôi không hiểu rõ nghĩa của chữ Bụt là gì. Khi lớn lên, đọc sách của thầy Nhất Hạnh, tôi mới biết Bụt là Phật. Được ví hiền như Phật, quả thật là 1 vinh dự lớn lao cho bố của tôi.

Bao nhiêu năm làm con của bố, tôi chưa hề nghe ông chỉ trích, nói xấu 1 người nào. Ông không tham lam của ai, dù 1 cắc. Làm công chức ở quan thuế nhưng ông rất thanh liêm. Mẹ của tôi buôn bán giỏi, làm nhiều tiền, bận rộn; ông không màng giúp đỡ mẹ việc nhà, support tinh thần, bàn bạc, giúp ý với mẹ tôi, phụ mẹ tôi săn sóc, dạy dỗ con cái. Đó là những điều mà tôi thấy đàn ông Việt Nam -thời bố tôi- ít chịu làm. Bố rất “ga lăng” và chìu chuộng mẹ. Tôi thấy ông hay âu yếm choàng vai, vuốt má, hay nịnh đầm mẹ, lúc nào cũng nói chuyện thật nhẹ nhàng với mẹ. Mẹ tôi thì lo cho ông từng miếng ăn, giấc ngủ. Mẹ là người đàn bà khéo ngoại giao, ăn nói hay, tiếu lâm, vui vẻ. Mỗi lần mẹ tôi cười là có hai “đồng điếu” (hai dimples nhỏ xíu, giống Shirley Temple) nhìn rất có duyên, dáng người mẹ ngon lành-cao ráo, mẹ đảm đang, nấu ăn giỏi, đối đãi với bạn bè, hàng xóm láng giềng, họ hàng bên chồng không có chỗ nào chê. Thuở hai người mới quen nhau, bố tán mẹ bằng hai câu thơ: “Ai bảo em làm anh ngơ ngẩn. Buổi ban đầu anh có mộng gì đâu”. (của một thi sĩ nào đó chứ không phải của ông thì phải). Thuở đó, bố học hành khá, biết cởi ngựa, đánh bốc (boxing), chơi ping pong, bắn cung tên, bơi lội (mẹ đã khoe với chúng tôi là bố bơi từ bờ sông bên nầy đến bờ bên kia mấy vòng, bố bơi rất giỏi, có hạng trong vùng). Bố cao ráo, khỏe mạnh, đô con lại tán tỉnh hay nên mẹ phải lòng. Mẹ tôi đẹp lắm, mẹ khoe mẹ là hoa… hôi (hì hì) trong tỉnh. Mẹ bảo mẹ và bà Mười là hai người đẹp nhất trong vùng, em gái tôi hay chọc mẹ, nó nói chắc ở tỉnh đó, con gái chỉ có ….hai người?!! Hi hi… Ông ngoại không cho mẹ lấy bố vì lo lắng bố là con trai độc nhất (bà nội tôi chỉ có bố tôi và cô em của bố); ông ngoại thương mẹ tôi lắm vì ông cũng chỉ có mình mẹ tôi là con gái, ông đã nghĩ mẹ mà về làm dâu nhà bố (Bắc kỳ thời đó mà!) chắc sẽ không được khá! Bị ngăn cấm, mẹ tôi đã …runaway, trốn ông ngoại đến nhà dì của mẹ để làm áp lực (thời xửa thời xưa mà mẹ tui dám làm như vậy thì thiệt quả là quá xá chời! Tui thấy bà rất can đảm, dám làm chuyện kinh thiên động địa như thế với ông ngoại, tất cả cũng chỉ vì …tình! Mẹ tui quả thiệt là chịu chơi, là một người có làm có chịu..).

Khi mẹ tôi mất năm 1994, bố lủi thủi một mình, bố nói với tôi bố nhớ mẹ lắm. Mẹ tôi hay ngao du bạn bè, thích đi du lịch, hay ra ngoài chơi; bố lại không thích đi chơi đâu cả, cứ quanh quẩn trong nhà. Bố tâm sự bảo là bố rất buồn, bây giờ thì không còn mẹ tôi đi chơi về tâm sự, nói chuyện huyên thuyên cho bố nghe như trước nữa. Mẹ có duyên ghê lắm! Có máu tiếu lâm nữa, tính tình rộng rãi, khoáng đại lại hiểu biết, dễ hòa đồng, rất “friendly” nên mẹ có rất nhiều bạn. Mẹ thường kể lể đủ mọi thứ chuyện, vui có, buồn có, những tin tức thật là sốt dẽo cho bố tôi nghe. Sẽ chẳng có một ai thay thế nổi mẹ của tôi với bố! Mất đi một người bạn đời tháo vát, lo lắng thương yêu, hy sinh cả một đời cho bố, chắc bố tôi buồn và cảm thấy cô đơn ghê lắm! Tội nghiệp ông!

Đối với bà nội, bố là một người con chí hiếu. Lúc bà nội bệnh, khi gần mất, năm 1972, đàm dãi của bà đầy cổ họng, ông đã không ngần ngại dùng ống hút, lấy miệng, hút đàm ra cho bà (gớm quá! Bạn có dám làm như thế không?). Thuở xa xưa lâu lắm rồi, hồi đó, làm gì mà có máy móc như bây giờ? Cô em tôi, nó có một trí nhớ siêu phàm, nó lại hay để ý nữa… thỉnh thoảng nó vẫn nhắc lại gương hiếu để này của bố.

Ông nội của tôi mất sớm, hồi bố mới có 7 tuổi nên bố đã cáng đáng thay cha, săn sóc cho em gái mình từng chút. Tôi chưa thấy có người nào thương em gái như bố của tôi. Khi cô tôi đang tuổi mới lớn, chính ông là người chỉ dẫn cho cô từng ly từng tí, chính ông là người đã nhổ lông mày cho em, chỉ dẫn cô tôi cách ăn mặc đi đứng, dạy cho cô tôi biết về tâm lý của đàn ông. Chính bố tôi là người chọn chồng cho em mình, ông bảo chú là người hoạt động trong hướng đạo, tính tình tốt, tương lai tươi sáng. Mà đúng thật, cô chú tôi là một cặp vợ chồng hiếm thấy, cô không phải đi làm một ngày nào cho dù học rất giỏi. Tính tình chú rất dễ chịu, thoải mái, một lòng một dạ và thương chìu vợ con hết mực.

Khi còn ở V.N., sau khi bà tôi mất, cứ cách mỗi hai tuần, là bố nói Hảo (cô em) hoặc là tôi chở bố đến thăm cô. Đến khi gia đình cô qua bên Mỹ cũng thế, không bao giờ bố tôi “expect” em mình, phận làm em phải đến thăm mình; ông bảo anh tôi chở ông đi thăm cô đều đặn. Lúc bệnh già của bố trở nặng, thời gian ông gần mất, đi đứng phải có người dìu, vậy mà khi cô tôi đến thăm, không biết có một động lực vô hình nào đã thúc đẩy ông, vừa nghe tiếng cô tôi ở ngoài phòng khách; ông vội vàng đi phon phon từ trong phòng ngủ ra để gặp cô! Ông đã chẳng cần chờ ai phải đỡ đần, dìu cho ông đi cả khiến chúng tôi quá sức ngạc nhiên! Em tôi và tôi trố mắt ra nhìn, đúng là… miracle! Tình thương khiến cho người ta làm những chuyện phi thường không thể nào có thể giải thích, không thể nào tưởng tượng nổi, phải không các bạn?

Đối với con cái, ông chăm sóc chúng tôi kỹ lưỡng, rất kiên nhẫn, thông cảm và hiểu các con. Lúc còn nhỏ xíu, chúng tôi xếp hàng chờ ông đánh răng cho từng đứa. Ngày nào ông cũng phát cho chúng tôi uống một viên sinh tố (vitamin). Bố tôi rất… Tây, không thiên vị thương con trai hơn như bà nội tôi và mẹ. Đứa nào ngoan, học giỏi , mang bảng danh dự về đều được thưởng tiền. Ông khuyến khích các con để dành tiền. Bốn đứa con gái có 4 hộp đựng tiền, bố viết tên từng đứa. (Chúng tôi có 4 ông anh trai nhưng mấy ổng xài dữ lắm chẳng ông nào có dư tiền mà để dành!) Chúng tôi gửi tiền, cuối tháng, bố tính tiền lời rồi bỏ vào trong mỗi hộp. Bố dậy chúng tôi nên làm những việc thiện lành, theo bố, không phải để cầu mình sẽ gặp được nhiều may mắn, hạnh phúc ở đời mà ông bảo chỉ mong rằng những việc xấu nếu có đến, may ra sẽ giảm bớt đi.

Ai cũng bảo tôi nhìn giống bố nhất nhà. Tôi nhớ, hồi còn bé bỏng, bố hay ôm tôi vào lòng, hôn vào má tôi, râu của ông cạ vào má tôi nhột nhột, ngưa ngứa và tôi ngửi thấy mùi kem đánh răng, mùi aftershave từ bố, thoang thoảng, phảng phất hương thơm nhè nhẹ. Vào dịp Giáng Sinh, tôi mong bố đi làm về còn hơn trẻ con mong mẹ về chợ vì bố hay mang về cho em tôi và tôi những món đồ chơi nho nhỏ. Khổ nhất của chúng tôi hồi còn nhỏ là bị bắt buộc phải ngủ trưa, tôi còn đỡ, đối với em gái tôi, đó là cả một cực hình, ngủ hay không ngủ, chúng tôi đều phải nằm từ 1:00 trưa đến 2:00 giờ. Bố rất kỹ về vấn đề ăn uống, không cho chúng tôi ăn vặt (!); không cho ăn dầu mỡ, gia vị tiêu cay, đồ ăn ngọt (sợ mấy cô con gái bị nổi mụn). Chúng tôi nhớ hoài cái cảnh chị người làm vác từ quê lên một trái mít khổng lồ, bổ ra nhìn thật ngon lành, vàng óng, thơm phưng phứt, ấy thế mà bố của chúng tôi -vì sợ chúng tôi ăn vào nóng, mọc mụn- đã bảo chị Hai người làm cắt từng khúc nhỏ mang đi cho hàng xóm sạch, không chừa lại miếng nào! Làm chúng tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ….

Ngày nào ăn cơm xong, bố cũng dẫn tôi đi bộ với bố đến công viên. Cứ hai hoặc ba tuần thì chúng tôi lại được đi xem xi nê với bố (nhà tôi người nào cũng mê movie là vì vậy). Tôi mê nhạc, nghe nhạc cả ngày, bố không la, còn nói: “Muốn cho con thành một bậc vĩ nhân thì cho con được ru ngủ bằng âm nhạc, được đánh thức dậy bằng âm nhạc”. Khi tôi tỏ ý muốn đi học đàn guitar, bố cũng đồng ý ngay và vui vẻ cho tôi tiền mua đàn và trả tiền học phí. Bố tôi còn khuyến khích chúng tôi học nhẩy đầm, bảo rằng con cái của giới thượng lưu đều biết nhẩy đầm cả nếu các con thích thì cứ việc. Ông đọc ở đâu nói đậu đen tốt, thế là chính tay ông nấu chè đậu đen (bỏ rất ít đường) hằng ngày, chỉ có một mình tôi với ông ăn (thảo nào ông thương tôi nhất nhà, hí hí..), vì “ngon” quá nên không có người nào khác trong gia đình tôi chịu … thưởng thức món ăn này cả!

Đến giờ này, ngồi nghĩ lại, tôi thấy “appreciate” bố tôi ghê lắm. Thuở mới lớn của tôi, ông đã để cho tôi rất tự do (không như tôi đối với thằng con của mình). Khi gia đình tôi từ trại tị nạn dọn đến New Hamshire, mỗi ngày tôi “sống nhờ thư” của bạn bè từ xa gửi đến và cũng viết rất nhiều thư gửi đi. Ông đã không cấm tôi đừng tốn mất nhiều thì giờ cho việc viết thơ mà còn lặng lẽ đi mua thật nhiều tem, để sẵn đó cho tôi tha hồ viết, tha hồ gửi thư đi. Mấy anh chàng trồng cây si, gọi điện thoại đến, tôi nói chuyện hàng giờ, bố cũng không la. Khi tôi quyết định lấy chồng năm gần 18 tuổi, bố thấy tôi còn trẻ quá, bố không thích cho tôi đi lấy chồng thời gian đó nhưng cũng chỉ nói ôn tồn, khuyên nhủ nhẹ nhàng chứ không cấm cản. Chồng tôi nghèo, không giỏi bằng những người rễ khác (bác sĩ), bố vẫn quí và thương bằng hoặc còn hơn nữa. Bố rất hiểu và cảm kích những tính tốt của chồng tôi, cứ khen hoài. Lúc đó, anh C. đang phải đi học lại, ông an ủi tôi: “Học xong trung học là đủ rồi, học lên đại học là học thêm ngành chuyên môn thôi, kiến thức và đức độ thì chỉ xong bậc trung học là đủ rồi, ngang ngửa với những người khác rồi, anh C. tư cách, tính tình còn hay hơn rất nhiều người, tư cách là bậc tiến sĩ, thạc sĩ; bố thấy có những người tài giỏi thật đấy, bằng cấp cao, đầy nhưng đôi khi kiêu ngạo ta đây, ích kỹ, tính tình nhỏ mọn, hay ganh tị, chẳng bao giờ nghĩ đến người khác, tư cách chỉ là bậc tiểu học, thế cho nên con không cần phải mặc cảm mà phải biết quí chồng của con. Bố thấy anh ấy là một người rất tốt!”

Khi tôi muốn ly dị chồng, bố cũng chẳng nói năng gì, mặc dù ông rất buồn nhưng ông đã tôn trọng quyết định của tôi. Ông chỉ nhắc nhở tôi nhớ đối xử tốt, công bình với anh C. và cho dù có chia tay, chúng tôi cũng nên giữ gìn những tình cảm đẹp đẻ cho nhau. Anh C. thương bố mẹ tôi như bố mẹ ruột của anh. Mặc dù anh và tôi đã ly dị, anh thỉnh thoảng vẫn đến thăm bố của tôi. Mười năm sau, khi bố của tôi qua đời, anh đã đến phụ giúp và chịu tang bố tôi trong những ngày tang lễ.

Bố hay khuyến khích chúng tôi đọc sách, nhất là các loại sách học làm người. Quyển sách mà bố thích nhất là cuốn “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie, ông Nguyễn Hiến Lê dịch. Bố đọc đi, đọc lại. Mỗi lần tôi nói câu nào khéo léo, khôn ngoan, biết khen người khác đúng lúc, thật thà; bố thường hay khen: “Nguyệt biết Carnegie. Giỏi lắm!” hay: ” Carnegie giỏi quá hả!”, “Carnegie khá lắm! hay quá!”. Em tôi thì mỗi lần tôi “hắc ám” , nó lại nhắc nhở: “Sao chị không biết Carnegie gì hết! Carnegie của chị đâu rồi?” hoặc chị tôi: “Nguyệt quên Carnegie rồi à?”. Tên của ông Carnegie (bố đọc theo âm tiếng Pháp, cát nê ji) trở thành động từ của gia đình họ Quách chúng tôi tự lúc nào….

Bố thương và quý con dâu, con rễ, đối xử với người làm rất tử tế. Vì chúng tôi lười biếng, mỗi lần chị người làm về quê là cả một khổ sở, cực hình cho cả nhà nên ông rất quí trọng chị người làm. Ông sợ chị Hai mà xin nghĩ việc là cả nhà sẽ rất là chật vật và vất vả. Bữa ăn nào, chúng tôi cũng đều có đét se (dessert), một quả chuối, trái cam, táo, xoài… Bố lựa theo thứ tự, ngon lành nhất dành cho bà nội, kế đến là mẹ của tôi, kế đến … chị người làm, sau cùng mới để đó cho chúng tôi. Chị mà méc với bố mẹ nếu chúng tôi làm gì cho chị phiền lòng là kể như …. tiêu tùng, chúng tôi sẽ bị mắng ngay. Thỉnh thoảng thấy chị người làm vất vả quá, ông còn đi mắc mùng giùm cho chị. Mẹ tôi cười cười bảo: “May mà em, cả nhà hiểu tính anh, người ngoài mà họ nhìn thấy cái cảnh này, họ lại tưởng anh muốn chài người làm, mang tiếng chết!…”

Bố của tôi sống rất giản dị, chẳng xa hoa cầu kỳ; bao nhiêu tiền có được, sau khi để dành một ít, là bỏ vào - rất thích- làm việc thiện. Hồi còn ở Việt nam, lúc nào bố tôi cũng để sẵn 1 túi tiền, ăn mày hể đến nhà, dù khoẻ mạnh hay tàn tật, bố bảo chúng tôi cứ tự động mang ra cho họ. Vì biết chắc chắn bất cứ lúc nào họ cũng được cho tiền, có nhiều ông ăn mày đi thẳng một mạch đến nhà tôi mỗi ngày mà không đến xin những nhà hàng xóm khác. Có đứa bạn nào mà tôi thấy gia đình của nó nghèo khổ, tôi đều nói với bố tôi. Con nít nghèo của những xóm kế bên cũng thế , bố tôi hay mua sách vở, bút mực hoặc đưa tiền, ông thường bảo tôi mang cho họ. Qua đến Mỹ, mỗi năm ông đều dành dụm gởi nhiều tiền về Việt Nam giúp đỡ người nghèo khó.

Về tình cảm của con cái, thấy em tôi đánh tennis giỏi, lúc nào cũng đánh thắng mấy anh, ông khuyên em tôi thỉnh thoảng nên giả vờ thua, cho mấy anh khỏi mặc cảm, mới thích em tôi (về chiện này, tui thấy bố hổng đúng cho lắm, hihi.. thể thao mờ, làm sao có chiện nhường được chớ, hihi..). Chị tôi vì đào huê quá không biết ông bồ nào nên lấy ông nào không; chỉ cứ ngần ngừ hoài, chắc bố hơi lo cho chị nên khi chị 34 tuổi, bố khuyên chị cứ lấy chồng cho biết, sau đó nếu không thích thì … ly dị (ông bố tui chịu chơi quá phải không ạ?). Khi chị quyết định lấy chồng lớn tuổi hơn, mặc dù ông anh rễ của tôi sáng sủa, cao ráo, chưa bao giờ có vợ và lại là bác sĩ nội khoa ngon lành, bố tôi vẫn rất thực tế “bringing up concern”, cố vấn cho chị tôi về vấn đề tuổi tác. Ông muốn chị tôi lấy chồng bằng tuổi hoặc chỉ hơn chị 1,2 tuổi thôi à… hoặc trẻ hơn cũng không sao, hihihiii… hì hì (vào làm rễ gia đình tui tuy dễ như lại có những tiêu chuẩn hơi … khó khó hỉ …hi hi hi…)

Đối với các cháu nội, cháu ngoại, ông thương rất đồng đều. Khi tôi gửi thằng con lớn cho mẹ tôi để đi học, bố đã phụ mẹ, trông giúp hộ mẹ tôi. Lúc nào ông cũng mua sẵn một lô kẹo chewing gum, đứa nào đến, cũng phát cho vài cái. Khi lũ cháu chào ông, lúc nào ông cũng vui vẻ nói lại: “Chào cháu”. Ông rất chịu khó tập thể dục, lúc nào ông cũng vui vẻ, yêu đời. Ông hay nhắc chúng tôi: “Vui lên thiên hạ đồng tình, khóc than bạn chỉ một mình khóc than”. Hoặc: “Chỉ có tôi cho phép tôi buồn ngoài ra không có ai có thể làm cho tôi buồn được!”

Bố của chúng tôi rất mê đọc sách. Mặc dù theo đạo Phật, thờ cúng tổ tiên nhưng ông đã đọc, nghiên cứu hết hai quyển kinh thánh Tân ước và Cựu ước. Ông khuyến khích tôi đọc, nói là có rất nhiều điều hay. (Tôi có thử nhưng thấy …. boring quá! Không sao đọc tiếp cho hết được). Ông còn khen đạo Tin lành là đạo của những người văn minh. Ông có 1 quyển sổ nhỏ, với nét chữ gọn gàng đều đặn, ông chép những câu danh ngôn, những bài thơ nói về tình yêu (lãng mạng nhỉ, hihi..) Một quyển sổ khác, ông chép những câu nổi tiếng, nói về cách sống, cách cư xử, đạo đức, hạnh làm người. Qua Mỹ, ông đã chịu khó đi học lại để lấy lại bằng Accounting, cô bạn tôi học chung lớp với ông đã khoe là ông học rất giỏi, được điểm A trong khi cô chỉ được con B. Sau khi tốt nghiệp, bố tôi cũng đã đi làm một thời gian trong trường đại học gần nhà.
*****
Bố của con ơi… bố mất được gần 2 tuần rồi mà con vẫn cảm thấy là con chưa mất bố! Mỗi sáng thức dậy, con lại nghĩ đến bố. Con thương và nhớ bố lắm, bố ơi! Con thấy mình hụt hẫng, bơ vơ, mất mát nhiều ghê lắm! Trên cõi đời này, sẽ chẳng có một ai khác, thương con, tình thương vô điều kiện, như bố đã. Con sẽ chẳng bao giờ thấy được gương mặt hiền lành -cặp mắt lúc nào cũng nhìn con dịu dàng, thương yêu- của bố. Bố dễ thương, dễ chịu ghê lắm! Chẳng bao giờ bố đòi hỏi chúng con làm điều gì cho bố hêt. Chẳng bao giờ con thấy bố than phiền là sao chúng con không đến thăm bố thường hơn. Bố chỉ tỏ vẻ rất vui mừng khi chúng con đến thăm bố mà thôi. Con đã không có mặt, ở cạnh bố, trong những giờ phút cuối cùng. Xin bố tha cho tội bất hiếu của con, bố nhé. Khi đang đi chơi ở Canada, nghe Annie nói là ông ngoại passed away, con đã khóc suốt mấy tiếng đồng hồ và đòi về ngay nhưng Hảo nói là chỉ còn một ngày nữa là về, đằng nào bố cũng đã mất rồi.

Bố của chúng tôi không gặt hái được nhiều thành quả để đời, không phải là 1 người tài ba xuất chúng, lỗi lạc thế gian. Ông chỉ là một người rất bình thường. Một người rất tử tế, sợ tội, tính tình hòa nhã, tin vào bố thí, làm lành tránh dữ, hiếu thảo, ăn ngay nói thật, chẳng bao giờ muốn phiền hà ai, không thích nợ nần ai. Ông đã cố gắng đóng trọn vai trò của mình trong màn kịch đời người. Một người công dân tốt trong xã hội. Một người biết tự lo thân, take good care cho bản thân mình. Một người bạn tốt, biết cảm thông, chia sẻ. Một người con, anh, chồng, cha, ông trọn vẹn. Vì thế, từ những điều rất bình thường đó, với tôi, ông đã trở nên một người rất đỗi phi thường!

Bây giờ, một năm rưởi sau khi bố mất, ngồi viết thêm, sửa lại một lần nữa, bài mà con đã đọc trong ngày đưa tiễn bố. Con khóc nghẹn ngào. Bố ơi! vẫn biết đời sống này là vô thường, chẳng có gì là vĩnh cửu. Vẫn biết chính bản thân con, một ngày nào đó, rồi cũng phải ra đi. Vẫn biết một người - tốt bụng, hiền lành- như bố; thì sự ra đi của bố, có nghĩa là một nơi chốn tốt đẹp hơn. Nhưng con vẫn không khỏi đau lòng và buồn bã. Con vẫn thấy nhớ bố, nhớ bố thật nhiều. Con cứ phải tự an ủi mình, tự nhắc mình là may mắn vì đã được làm con của bố. Con phải nói với mình, nhiều lần, là con phải mừng cho sự ra đi của bố. Bố giờ này chắc không còn ở cõi ta bà, hỗn độn này nữa đâu, phải không bố? Bố yêu của con ơi! Con cố gắng không buồn nhiều, vì con tin chắc rằng, bố đã được về 1 cõi êm ái, bình an, hạnh phúc hơn cõi đời này.

Như Nguyệt
August 2008; Editted Feb. 27th, 2010



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét