Giáo Sư, Tiến Sĩ T.Q.M.
(Đề nghị bác Văn không
nên đăng ở đâu cả)
1. Cơ duyên
Tôi trở thành học viên
của Pháp Luân Đại Pháp một cách rất tình cờ. Năm ngoái, 2016, một
hôm, tôi vào phòng làm việc của một đồng nghiệp (phòng làm việc của tôi cách
phòng làm việc của đồng nghiệp này chỉ độ mươi mét). Anh bạn đồng nghiệp này
nói cho tôi về Pháp Luân Đại Pháp và đứng ra giữa phòng làm mấy động tác (giản lược)
của Pháp Luân Công cho tôi xem rồi bảo tôi nên tập đi.
Thế là tôi theo ngay lập tức. Không một chút đắn đo. Trước đó, tôi cũng đã nghe về Pháp Luân Đại Pháp, về cuộc đàn áp của bè lũ Giang Trạch Dân đối với những học viên Pháp Luân Đại Pháp ở bên Tàu. Biết là biết vậy, biết chưa kỹ, loáng thoáng thôi, chưa có gì lay động được tâm can tôi.
Mấy hôm sau, tôi nhờ anh ấy mua cho một cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” của Sư phụ Lý Hồng Chí để vừa đọc vừa luyện 5 bài công pháp. Luyện công pháp thì tôi mở mạng internet và tập theo, cứ mỗi ngày một bài, làm độ vài ba tuần lễ thì tương đối thuần thục.
Anh bạn mà tôi viết ở bên trên, người mà tôi cho là nối duyên cho tôi đến với Pháp Luân Đại Pháp, có tên là N. M. H., Phó Giáo sư, Tiến sĩ sử học.
Sơ qua về anh H. một chút. Anh H. học cùng Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng với tôi, nhưng sau tôi 3 khóa. Sau khi tốt nghiệp, anh ấy nhận công tác tại Viện Lịch sử Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng. Rồi lên được đến quân hàm đại tá, phó viện trưởng kiêm tổng biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự. Làm đến cái chức ấy rồi, mang quân hàm đại tá rồi, nhưng vì lý do gì đó tôi không rõ, anh ấy không lên được Viện trưởng, và đi kèm với cái chức viện trưởng là quân hàm thiếu tướng, khi ông viện trưởng cũ nghỉ hưu (Nghe người ta nói là anh H. không chấp nhận cái gọi là “thị trường Sao và Vạch”). Đang lúc đó thì Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang cần 1 người làm Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. Người ta xin anh H. về làm Viện trưởng. Làm được 3-4 năm gì đó, đến tuổi 60, theo Nghị định của Chính phủ, anh ấy nghỉ chức vụ Viện trưởng để kéo dài thời gian công tác, chuyên nghiên cứu và giảng dạy.
Anh H. cho biết, đến nay, anh ấy đã theo Pháp Luân Đại Pháp được 4 năm rồi. Nhà có hai vợ chồng và hai cô con gái (chưa lập gia đình), thì đến 3 người theo; chỉ còn riêng một cô con gái đang sinh sống tại Tp. Hồ Chí Minh là không theo mà thôi. Anh ấy luyện công tại nhà, còn vợ anh ấy thì hằng ngày đến điểm luyện công ở Công viên Nghĩa Đô. Cả vợ và con của anh ấy đã nhiều lần đi Mỹ và Đài Loan (theo Đoàn), đã xem nhiều lần Thần vận, dự một số Pháp hội, nhưng chưa lần nào gặp được ông Lý Hồng Chí. Ông Lý Hồng Chí định cư tại Mỹ cùng vợ và con gái từ năm 1996, trước cả thời gian Giang Trạch Dân bắt đầu cho đàn áp Pháp Luân Công năm 1999. Ông ấy nói rằng, lý do ông ấy cùng gia đình sang Mỹ cư trú là vì con gái bắt đầu vào học trung học, cần học ở bên ấy. Tôi đồ chừng là ông ấy biết trước sự việc sẽ bị đàn áp. Sau đó, TQ cho đặc vụ nhiều lần tìm và ám sát nhưng không thành. Con gái của anh H. còn sang cả Ấn Độ để dạy Pháp Luân Đại Pháp ở đó khoảng mươi ngày (theo đường du lịch), vì ngoại trừ Việt Nam và Trung Quốc còn kỳ thị ra, còn lại tất cả các nước khác đều tự do, thậm chí có nước còn đưa Pháp Luân Đại Pháp vào cả trường học và lên cả TV. Trong chương trình đầu năm nay, 2017, Thần vận định sang biểu diễn ở Việt Nam (ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh), nhưng không thành. Tôi đã nhờ con gái anh H. mua vé rồi. Sau đó họ trả lại. Đại sứ Mỹ ở Việt Nam gửi Công hàm cho Chính phủ Việt Nam dể can thiệp cho Thần vận biểu diễn, nhưng không được. Không cho biểu diễn là không cho biểu diễn. Đơn giản vậy thôi, vì bên Bắc Kinh bảo là không được. Chắc là thế.
2. Quá trình tu luyện
Đọc trên mạng internet cũng được, nhưng không tiện bằng đọc sách giấy, cho nên thông qua anh H., tôi nhờ con gái của anh ấy mua cho một số sách của Sư phụ Lý Hồng Chí. Sách in ở Đài Loan, có bản quyền, nhưng về Việt Nam chắc là không thông qua thủ tục của cơ quan quản lý, thành thử ra là có thể gọi là “phát hành chui”.
Sách thì tôi ngày nào cũng đọc, dù ít dù nhiều. Hôm nào nhiều thời gian thì có khi đọc đến cả trăm trang, hôm nào bận quá thì chỉ vài trang. Đọc lần đầu không hiểu gì hết, nói đúng ra là mang máng, thấy mông lung, nhưng đọc đi đọc lại thì dần dần hiểu. Cho đến bây giờ xuýt soát 1 năm rồi, tôi không nhớ đã đọc cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” mấy lần rồi. Nhưng mà thuộc trang nào chưa, trong đó có 2 trang luận ngữ ở đầu sách, thì tôi chưa thuộc. Nghe nói ở bên Tàu có không ít người thuộc lòng cả quyển. Tôi nghe nói ở Việt Nam, có người, chắc chưa nhiều, thuộc lòng cả quyển sách ấy rồi. Một người tôi chứng kiến thuộc lòng hai bài giảng (1 và 2) trong cuốn sách và đang quyết chí học thuộc lòng cả quyển gồm 9 bài. Thế mới tài! Sách dịch ra tiếng Việt Nam còn chưa Việt hóa được nhiều, đọc còn trục trặc lắm. Ai mà đọc thẳng tiếng Hán hoặc tiếng Anh thì hay hơn đọc bản dịch tiếng Việt Nam.
Sau này, tôi nhờ con gái anh H. mua tiếp cho tôi mấy quyển “Chuyển Pháp Luân” và một số sách kinh văn nữa. Nói chung các sách này hơi bị hiếm, khó tìm. Đến các điểm luyện công nhờ đồng tu chắc họ mua được thôi. Trên mạng thì đọc miễn phí. Chính là khi đọc các sách kinh văn (trong mạng internet có) sau đó trở lại đọc “Chuyển Pháp Luân” mới hiểu rõ thêm rất nhiều điều. Ta theo Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa là theo thuyết tiến hóa của Đácuyn, thuyết sinh tồn, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, cá lớn nuốt cá bé; ai mạnh thì sống, ai yếu thì chết, hoặc nếu không chết thì phải làm nô lệ cho kẻ mạnh. Phần đông các nước trên thế giới họ không theo thuyết này và họ tiên tiến hơn, phát triển hơn, có cuộc sống lành mạnh hơn.
Quá trình tu luyện của tôi mới gần 1 năm nay, nhưng xem ra ma nạn và can nhiễu đến tôi khá nhiều. Theo lời Sư phụ giảng thì đó là “hảo sự”. Sau những lần bị ma nạn, can nhiễu rồi nhìn lại thì thấy lạ là sao mà mình vượt quan được như thế. Thì ra là, cũng theo Sư phụ giảng, mỗi một đệ tử của ông ấy, đều có Pháp thân kèm cặp. Chính Pháp thân này có khi khảo nghiệm, thử thách người tu luyện và có khi giúp cho học viên vượt quan.
Hầu hết mọi người đến với Pháp Luân Đại Pháp thường bắt đầu từ lý do sức khỏe. Tôi cũng thế. Nhưng càng tu luyện, tôi và chắc nhiều người như tôi, đều ngộ ra rằng, cho sức khỏe chỉ là một mặt, là phương tiện, chứ không phải là mục đích. Muốn đạt mục đích thì tu cho mọi nghiệp phải dần dần biến mất, mà nghiệp biến mất thì bệnh cũng khỏi (khỏi từ gốc). Trong quá trình tu luyện, không phải là không có bệnh, không phải là hết ốm đau, nhưng chắc chắn bệnh nặng không còn. Mỗi khi nhức đầu sổ mũi, viêm họng, tôi chỉ xịt thông mũi, còn không uống thuốc, chỉ luyện công, nhất là bài 5 Thần Thông Gia Trì Pháp rồi khắc sẽ khỏi. Mà đúng thế thật. Còn uống thuốc hay không thì tùy vào từng người, như Sư phụ đã giảng rồi, Sư phụ không giảng rằng là tuyệt đối không được uống thuốc.
Tôi chỉ tu luyện tại nhà, nghĩa là đọc sách và luyện 5 bài công pháp ở nhà, chứ không ra điểm luyện công ở Công viên Hòa Bình, nơi cách nhà tôi ở khoảng 2 km. Biết vậy, biết là như Sư phụ giảng rằng, luyện công tập thể là tốt nhất, nhưng luyện ở nhà cũng được (ông Lý Hồng Chí nói là “cũng khả dĩ”). Không phải vì tôi tuân theo lời can ngăn của người nhà, mà tôi có lý do rất đơn giản và cực kỳ đặc biệt. Đó là khi luyện xong bài 1 Phật Triển Thiên Thủ Pháp hoặc thường là bước vào động tác 1 của bài 2 Pháp Luân Trang Pháp thì tôi phải vào ngay nhà vệ sinh để đi ngoài. Có đến 99,99% buổi như thế. Chỉ có một lần tôi ra điểm luyện công ở Công viên Hòa Bình là sau khi tôi đã giải quyết chuyện đi ngoài xong rồi. Ra điểm luyện công tập thể mới biết là hay thật: một là không khí tươi vui và ảnh hưởng công của mỗi người truyền cho nhau; hai là mình kiên trì làm các động tác theo thời gian của tập thể; ba là có động tác nào chưa chính xác lắm thì sửa lại; bốn là giao lưu thêm về ý chí và phương pháp tu luyện và nhận được nhiều thông tin của các đồng tu tình hình trong cả nước và trên thế giới về Pháp Luân Đại Pháp.
Dịp 14-5 hằng năm ở trên thế giới vui lắm vì khoảng hơn 100 triệu người tu luyện sẽ tổ chức Pháp hội. Không biết ở Việt Nam ta thì như thế nào. Trên thế giới càng ngày càng phát triển môn phái này. Ở Trung Quốc nghe nói nay cũng đỡ kỳ thị. Cũng từ Giang Trạch Dân mà ra cả. Bây giờ Giang đang thất thế. Nghe nói nhiều điểm luyện công ở Trung Quốc đông trở lại và càng phát triển. Việt Nam nhà ta bị chi phối, không có quy định nào cấm đoán cả, nhưng vẫn bị kỳ thị. Công an các cấp vẫn theo dõi, chưa bỏ. Họ tìm mọi cách cản trở các điểm luyện công. Thỉnh thoảng họ đóng kịch cho mấy ông đóng giả học viên Pháp Luân Công đến trước lăng cụ Hồ giương các biểu ngữ chống đối chính quyền để tạo cớ đàn áp. Trước đây, khi Giang bắt đầu đàn áp ở Trung Quốc thì một số học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Hà Nội đến vườn hoa Lênin luyện công, trong đó có bài Phát chính niệm. Phát chính niệm ngay tại đó sát gần với Đại sứ quán Trung Quốc là có tác dụng lắm. Nhưng, công an lại bày mưu quàng mấy cái giây vào cổ tượng Lênin rồi giả vờ bỏ quên mấy cái búa đập tượng Lênin để vu cáo là những học viên Pháp Luân Công Việt Nam có hành động xấu, nhận chỉ đạo từ bên ngoài. Ở quảng trường Thiên An Môn bọn xấu còn đựng lên mấy cái vụ gọi là “học viên Pháp Luân Công tự thiêu” để gây chuyện mà ngay sau đó người ta biết tỏng ra đó là dựng chuyện. Ông anh có gì thì ông em bắt chước. Kém và hèn quá! Nghĩa là họ không từ thủ đoạn nào. Nhưng, nào có làm gì được đâu. Ngay như ở Trung Quốc, con số không chính thức/chưa chính xác là có độ khoảng 2 triệu học viên Pháp Luân Đại Pháp bị mổ cướp nội tạng nhưng Pháp Luân Đại Pháp không bị tan, không những thế còn phát triển.
Hiện nay, anh ruột tôi ở Thanh Hóa (Giáo viên cấp 3 nghỉ hưu) đang tu luyện do tôi gửi sách và khích lệ. Bác gái thì theo môn phái khác: thiền chữa bệnh.
Không phải ai cũng theo được cái này. Phải có duyên mới theo được. Ngay người nhà cũng thế thôi. Không ép buộc gì hết, mà có ép buộc cũng không được. Ai có duyên thì đến, ai hững hờ thì qua!
Trang blog của bác, bác bảo không ai đọc. Có thể. Nhưng bài vừa rồi của bác thì chắc không thế đâu. Vì bác cho đăng (hoặc người ta tự ý) đăng trên danlambao và một loạt trang báo mạng khác. Mà điều chú ý ở đây là bác Văn theo môn phái này từ một ông đại tá công an. Người ta thấy lạ, tò mò, cho nên nhiều người đọc. Tôi vào phòng anh H. hôm nọ thấy anh ấy đưa ra bản photocopy bài viết đấy của bác đăng trên báo mạng Tin tức hàng ngày. Tôi liếc qua biết ngay bài do bác Văn viết, nhưng tôi không nói. Sau khi bác đăng mấy ý của tôi lên blog của bác thì không biết có nhiều người đọc không, nhưng có người đã nhìn tôi thiếu thiện cảm. Tôi không phải là người nổi tiếng, nhưng trong ngành, trong nội bộ thì nhiều người biết. Tôi hay viết bài đăng báo, đăng tạp chí (khoảng 400 bài đăng tạp chí rồi), viết sách, lại còn giảng bài ở nhiều lớp, nhiều tỉnh, nhiều ngành nữa. Ý kiến của tôi thì cũng có cá tính. Trong nghề đều biết tôi cả, thậm chí cả những người chưa từng gặp mặt tôi. Lại là đề Giáo sư, Tiến sĩ, thì thấy ông này theo Pháp Luân Đại Pháp và là nói sẽ bỏ đảng khi nghỉ hưu nữa thì thấy kỳ, dù là viết tắt mấy chữ T.Q.M. nhưng họ không khó để luận ra T.Q.M. là ải là ai!
Những ai mà tu luyện chân chính của Pháp Luân Đại Pháp thì đều là người tốt (tốt theo tiêu chí CHÂN – THIỆN – NHẪN). Bây giờ giả dụ tôi đi đường nhặt được tiền rơi (hàng tỷ tỷ tỷ đồng hoặc hàng tỷ tỷ tỷ USD) thì tôi cũng tìm người mất để trả lại với tấm lòng thanh thản, coi đó là việc rất bình thường. Cái đức này của Pháp Luân Đại Pháp là mỹ diệu vô cùng và đấy mới chính là sống vì nhân loại và đó là kết quả kỳ diệu của tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, là cái đức vô giá mà con người chân chính cần đạt tới.
Tôi tự thấy mình con non kém lắm trên con đường tu luyện giữa đời thường. Vẫn còn nhiều chấp trước. Vẫn còn cáu giận với những người chung quanh. Yêu cái tốt, ghét cái xấu, nhưng khi xử lý những điều tốt-xấu còn chưa được như Sư phụ Lý Hồng Chí mong muốn. Sống trong "thùng thuốc nhộm đen", lại chưa nghỉ hưu cho nên nhiều dục vọng đến khiêu khích, đặc biệt là tiền của. Con người lạ thật. Tiền, tiền và tiền, không có điểm dừng, là sao! Làm người thầy giáo trong thời buổi kim tiền này thật khó cho tu luyện. Xã hội nát cả rồi! Môi trường văn hóa đang bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng. Trong môi trường đó mà làm được một việc gì đó mà mình cho là tốt thì thật quý. Và, không ít việc làm mình cho là tốt, người khác bảo mình là "hâm, kênh kiệu, ra vẻ ta đây". Người ta bảo không một ai chê tiền cả. Xem ra, nay ở ta, có khi làm việc tốt, việc thiện thì có khi khó như con lạc đà chui qua lỗ kim vậy!
3. Đường đi tới
Tôi nguyện chăm chỉ, kiên trì tu luyện, mặc cho ma nạn, can nhiễu, kể cả những ma nạn, can nhiễu đến từ người nhà chứ không phải đến từ ai khác. Làm việc tốt mà vẫn bị/được khuyên là đừng làm, bị ngăn cản ư?
Trời có nắng có mưa,
giông bão, sấm chớp..., mặc!
Có hành tinh nào sắp va
vào trái đất..., mặc!
Biển có sóng thần..., mặc!
Địa cầu này có bị đại
hồng thủy nhấn chìm..., mặc!
Đất có sập dưới chân...,
mặc!
Chỉ có tiến, không có
lùi!
Hồng Pháp! Hồng Pháp!
Pháp Luân Đại Pháp hảo!
Chân -Thiện -Nhẫn hảo!
Sư phụ Lý Hồng Chí hảo!
Dừng tại đây, bác Văn nhé! Chúc bác chóng tinh tấn!
Hà Nội, ngày Chủ Nhật, 23 tháng 4 năm 2017
Gs.Ts. T.Q.M.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét