Đặng Huy Văn
1-Đội đồng ca nhí đã hát bài “Tung Fang Hùng” như thế nào?
Ròng rã hai tháng trời, gió lào đã làm
cho quê tôi gần như khô cháy. Cánh đồng lúa gặt xong mới hơn nửa tháng, nay như
cái sân gạch nứt ngang, nứt dọc. Chỉ khổ mấy con trâu phải vào tận hói Cây Bần
mới có nước uống, nhưng cũng là nước lợ nhằm khi thủy triều xuống mới uống
được. Hiếm hoi lắm, mới có vài hạt mưa còn sót lại khi mây từ bên Lào băng qua
dãy Trường Sơn mang sang. Nhưng cái nóng, cái khô hạn khủng khiếp đó cũng không
ngăn nổi niềm háo hức của bà con quê tôi đang chuẩn bị lễ chào đón ngày hòa
bình lập lại.
Thanh niên thì lo dựng rạp, may thêm
cờ, làm khung ảnh lãnh tụ, mượn bàn ghế, chuẩn bị chỗ ăn chỗ ở cho các đại
biểu...Anh chị em dân quân thì lo tập duyệt đội ngũ. Đội nhạc công thì lo tập
luyện các bài hát lễ tiết như quốc ca, lãnh tụ ca, quốc tế ca và các bài ca
cách mạng. Các ông bà già thì lo may quần áo đẹp để mặc trong buổi lễ diễu
hành. Các thanh thiếu nữ thì lo tập dượt các điệu múa như múa sạp, múa xòe ô,
múa nón,... Và đặc biệt, có hai chị văn công ở thị xã lên hướng dẫn cho thanh
thiếu niên xã tôi một số bài hát và điệu múa mới.
Giờ đây, tôi vẫn còn nhớ như in hình
ảnh các anh các chị lớn, cầm tay nhau nối thành một vòng tròn có tới vài chục
người, vừa nhảy múa, vừa hát:
Yêu hòa bình Tổ quốc chúng ta
Yêu ruộng vườn quê hương ngàn đời
Toàn dân đoàn kết,
Bước hiên ngang lòng vang câu ca!
Rồi thêm một điệp khúc toàn tên các lãnh tụ thế giới, nghe rất lạ:
Yêu Cụ Hồ, thủ tướng nước ta
Yêu Cụ Mao, Cụ Kim Nhật Thành
Cụ Ma-len-cốp,
Xít-ta-lin, Ăng-ghen, Lê-nin!
Thú thật, ngày đó, khi nghe những cái tên Tây ấy, người lớn cũng còn
không thể nhớ nổi, huống hồ là lũ trẻ con chúng tôi. Có một bà ở xóm trên bị
đau đầu, vào cửa hàng dược phẩm thị xã đòi mua bằng được “mấy viên Xit-ta-lin”.
Cô bán hàng nhiệt tình chỉ cái ảnh Xít-ta-lin treo trên tường, hỏi lại:
- Xít-ta-lin viên không có, chỉ có ảnh
thôi, bà có lấy không?
- Tôi bị đau đầu dữ lắm, ảnh thì uống
như thế nào?
- À, thế thì bà phải hỏi mua viên
Át-spi-rin. Lần sau, bà đừng hỏi mua viên Xít-ta-lin nữa nhé!
Thấy chưa? Nghe những cái tên Tây ấy,
người lớn còn nhầm lẫn lung tung nữa là. Nhưng lời hát của bài hát trên, do
được hát đi hát lại cùng điệu múa nhiều lần nên cuối cùng chúng tôi cũng thuộc
được. Nó thật vui nhộn, hấp dẫn và lôi cuốn lạ kỳ.
Bắt chước các anh các chị thanh thiếu
niên, chúng tôi tập múa hát ngay trên cánh đồng, ngay bên bờ sông, ngay dưới
gốc đa, ngay trong sân miếu thành hoàng làng, ngay trong Đền Thánh thờ Đức
Khổng Tử. Chúng tôi ngây thơ tưởng Đức Khổng Tử bên Tàu cũng đang hân hoan chào
đón ngày vui hòa bình của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Vừa thuộc được điệu múa và lời bài hát
trên, thi mấy hôm sau, lại có hai anh ở ban tuyên huấn huyện ủy về hướng dẫn
diệu múa và bài hát mới. Điệu múa này không yêu cầu kết thành vòng tròn mà xếp
thành hàng ngang, tay vỗ vào nhau, chân nhịp nhàng bước lên, bước xuống theo
lời hát:
Thắm thiết tình Việt-Trung-Xô
Đế quốc càng đầy mối lo
Đó là tình người lao động
Mối tình tràn ngập núi sông
Cố công xây đắp tình Viêt-Trung-Xô!
Thắm thiết tình Việt-Trung-Xô...
Ôi, thật tuyệt! Cái bài hát này dễ
múa, lại dễ hát nữa chứ! Mặc dù chúng tôi chẳng hiểu nội dung bài hát nói gì,
nhưng bài này không có tên Tây nên không nhầm lẫn và dễ nhớ hơn. Lúc đầu, lũ
trẻ con chúng tôi chẳng có ai đứng ra tập hát múa riêng cho cả. Chúng tôi chỉ
nghe, nhìn và bắt chước các anh các chị lớn mà thôi. Vì thế, các anh các chị
bên đội thiếu niên hát hay và múa đẹp hơn chúng tôi rất nhiều. Nhưng có lẽ, nhìn
lũ trẻ con chúng tôi múa hát, mọi người thích hơn vì cái vẻ hồn nhiên ngô nghê
của cái tuổi còn “ngọng níu, ngọng no” ấy.
Thấy chúng tôi ngọng nghịu say mê hát,
một anh cán bộ tuyên huấn huyện ủy đang học bổ túc công nông trên trường tỉnh,
xuống giúp tập hát cho bà con xã tôi, vừa buồn cười vừa thích thú, nói:
- Thầy giáo của anh học ở Khu học xá
Nam Ninh bên Trung quốc về, vừa dạy cho bọn anh một bài hát bằng tiếng Hoa hay
lắm. Có lẽ đang tuổi nói ngọng như các em mà hát bài đó thì sẽ rất hợp. Các em
có thích học thì anh sẽ dạy cho! Nhưng anh chỉ biết lời tiếng Hoa thôi, không
biết nghĩa tiếng Việt, các em phải thật chú ý mới học được, nhất trí chưa nào?
- Nhất trí! Chúng em thích lắm, anh
dạy cho chúng em đi!- Chúng tôi đồng thanh nói như reo.
Thế là tối hôm đó, anh ấy đã dạy chúng
tôi bài hát, đầu đề bài hát này là “Tung Fang Hùng”, anh nói, “nhưng nghĩa là
gì thì thầy giáo của bọn anh chưa dạy, các em cố gắng học vẹt thôi nhé!” Và,
sau mấy đêm vật lộn với những từ lạ tai, cuối cùng chúng tôi cũng hát được bài
hát tiếng Hoa đó:
Tung fang hùng. Thai yieng xâng
Chu quơ chu leo
cưa mao chừa tung
Tha wei rân min mầu xing fu tha yi zê hêi ào
Tha sư rên min ta chìu xìn
Thấy chúng tôi nhanh thuộc bài hát, lại hát khá hay, nên anh Thông, người
đã tập hát cho chúng tôi nói:
- Các em hát hay lắm! Về nhà cố gắng
tập lại cho thật nhuần nhuyễn, rồi anh sẽ đăng ký cho các em tham gia hát trong
buổi lễ chào mừng ngày hòa bình lập lại của xã nhé!
Thật là một bài hát hay và thú vị mà
chúng tôi chưa bao giờ được biết! Nhiều ngày sau, ra ngoài đồng chăn trâu,
chúng tôi tổ chức thi hát lại bài đó cho nhau nghe, xem ai hát hay nhất. Chúng
tôi chỉ buồn, là không biết lời Việt của bài hát này để khi biểu diễn, bài hát
sẽ lôi cuốn người nghe hơn.
Thế rồi không ngờ, một hôm thằng Cu
Tèo con bà Mân, không biết đi đâu vắng mấy ngày liền, bỗng xuất hiện và nói:
- Vừa rồi, tao về quê ngoại, tình cờ
gặp anh Thông, người đã dạy chúng ta bài hát tiếng Hoa hôm nọ. Và, anh Thông đã
cho tao chép được lời Việt của bài hát này từ thầy giáo của anh ấy. Đó là một
bài hát nói về sản xuất nông nghiệp nổi tiếng của Trung Quốc. Chúng mày có muốn
tao hát cho nghe không?
- Hát đi! Làm bộ làm tịch gì nữa, sốt
ruột lắm, Tèo ơi!
Thế là nó bắt đầu hát. Đầu tiên, nó
hát lại toàn bộ bài hát bằng tiếng Hoa. Công nhận nó hát hay thật. Sau đó, nó
bắt đầu hát lời Việt vừa mới mang về hôm nay:
Cây cứt lợn. Cắt về sân
Đem chôn dưới sâu lâu cũng thành phân
Đến lúc cần thì đào chúng lên mang bón ra ngoài
ruộng
Cho chúng ta bội thu mùa màng
Trời ơi! Đây là một bài hát hướng dẫn cách làm phân xanh cho nông dân,
vừa dễ nhớ, vừa thú vị. Đúng là người Trung Hoa họ giỏi thật và đảng Cộng sản
Trung Quốc thương yêu nông dân thật! Họ đã sáng tác cả một bài hát hay như thế
để hướng dẫn nông dân làm phân xanh. Trách gì người ta nói, đảng Cộng sản là
đảng của người nghèo, thật quả không sai!
Thế rồi, chúng tôi bắt thằng Tèo phải dạy chúng tôi hát bài đó bằng lời Việt, để kịp đăng ký tham gia buổi hội diễn văn nghệ ở xã. Ba tối liền, đội đồng ca nhí của chúng tôi đã tập hát lại bài hát đó cả lời Hoa lẫn lời Việt rất nghiêm túc. Rồi buổi hội diễn văn nghệ, cuối cùng cũng đã đến. Đội đồng ca nhỏ tuổi của chúng tôi được ưu tiên trình làng bài hát này ở tiết mục đầu tiên, vì đây là một bài hát đặc biệt.
Khi dàn đồng ca “ngọng níu ngọng no”
của chúng tôi cất lên lời hát bằng tiếng Hoa, cả hội trường im phăng phắc. Vừa
kết thúc phần lời tiếng Hoa, cả hội trường vang dậy tiếng hoan hô, rồi một
người đứng lên hô lớn:
- Tình hữu nghị Việt-Trung đời đời bền
vững muôn năm!
Và tiếng hô hưởng ứng, “Muôn năm! Muôn
năm! Muôn năm!” kéo dài lan ra cả ngoài hội trường, lan ra tới cả mấy xóm làng
gần đó. Được sự cổ vũ của mọi người, sang phần lời Việt, chúng tôi còn hát hay
hơn, làm cho cả hội trường lặng phắc như tờ. Khi kết thúc bài hát, tiếng vỗ tay
không ngớt kéo dài mãi, làm ban tổ chức phải đề nghị chúng tôi hát lại lần nữa.
Và lúc này, lại một người nữa đứng lên hô lớn:
- Đảng Lao Động Việt Nam muôn
năm!
- Đảng Cộng sản Trung Quốc muôn năm!
Và hàng ngàn tiếng hô hưởng ứng “Muôn
năm! Muôn năm! Muôn năm!” lại vang trời, dậy đất lan xa, lan xa mãi. Sau này
tôi mới biết, ngày đó đảng ta chủ trương, quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là ưu
tiên số một, là quốc sách. Bác Hồ còn nói, đó là tình hữu nghị sắt son, “môi hở
răng lạnh”. Và vì thế, bài hát đó của đội đồng ca nhí chúng tôi sẽ được chọn
làm tiết mục biểu diễn trong buổi lễ long trọng chào mừng ngày hòa bình lập lại
của toàn xã.
Trên đường về, ai cũng tấm tắc khen
tiết mục của chúng tôi thật là đặc sắc. “Đảng Cộng sản Trung Quốc họ quan tâm
đến cả những việc đồng áng nhỏ nhặt của nông dân như thế. Họ thật xứng là một
Đảng Cộng sản vĩ đại!” một ông già vừa đi vừa tâm sự với mọi người.
2-Xã tôi long trọng chào đón ngày hòa bình trở lại
Lễ đài chào mừng ngày hòa bình lập lại
của xã đã được dựng lên giữa cánh đồng Hương Bộc, vì đó là địa điểm trung tâm
của toàn xã. Sân khấu được ghép bằng những tấm ván gỗ rộng, xung quanh được bao
bọc bằng nhiều cột tre vừa to vừa cao và treo nhữn tấm phông màu xanh thẫm ở ba
phía. Trên tấm phông phía sau sân khấu treo một hàng ảnh các lãnh tụ của thế
giới. Ảnh hai cụ Các Mác và Ăng Ghen được treo trang trọng ở chính giữa. Hai
phía trái và phải các cụ ấy là ảnh cụ Lê- nin, cụ Xit-ta-lin, Bác Mao, Bác Hồ,
cụ Ma-len-cốp, cụ Kim Nhật Thành, và một số lãnh tụ khác mà nay tôi không còn
nhớ nữa.
Đã sang trung tuần tháng tám dương
lịch. Gió lào không còn thổi nữa. Trời đang vào thu đã trở nên dịu mát. Xung
quanh khu vực dựng sân khấu, những ruộng lúa đã cắt rạ xong trông phẳng tắp như
một sân vận động lớn, có thể chứa được hàng ngàn người tới dự lễ. Trước hôm
diễn ra buổi lễ mấy ngày, hàng trăm dân quân tự vệ, thanh thiếu niên và học
sinh trong toàn xã đã đến đây để tập dượt đội ngũ, nhảy múa, ca hát suốt ngày.
Ban đêm, hàng trăm ngọn đuốc sáng rực chạy vòng quanh sân khấu trông từ xa như
một đám cháy rừng. Cả ngày, cả tối, bạt ngàn người là người. Chỗ này, các anh
chị dân quân đang tập dượt đội ngũ. Chỗ kia, thanh niên học sinh vừa nhảy múa
vừa ca hát.
Một buổi tối, đội đồng ca nhí của
chúng tôi đang tập dượt lại bài hát “Tung fang hùng” để chuẩn bị trình
diễn trong buổi lễ chào mừng ngày ký kết hiệp định hòa bình của toàn xã, thì
anh Thông, người đã tập hát cho chúng tôi hôm nọ đến tìm. Lần này, anh Thông
được Ban tuyên huấn huyện ủy cử về giúp xã tôi tổ chức buổi lễ. Anh bảo chúng
tôi hát lại bài hát đó. Chúng tôi hát xong hai lượt lời Hoa rồi hát sang cái
lời Việt do thằng Tèo nhà bà Mân đưa về. Khi vừa hát xong lượt một lời Việt,
anh Thông đã trố mắt hét lên:
- Ai dạy các em lời hát này, hả?
- Lời hát này do thằng Tèo nhà bà Mân
mang về, nói là do anh chép cho nó cách đây hai tuần mà!
- Nó nói bậy! Anh không hề chép cho nó
lời hát này. Đây là một lời hát bậy bạ, hoàn toàn khác hẳn nội dung của bài hát
tiếng Hoa mà anh đã dạy các em. Bài hát tiếng Hoa có nội dung ca ngợi Mao Chủ
Tịch, tại sao nó lại dám bịa ra là bài hát “Cây cứt lợn” như thế này?
Anh thay mặt ban tổ chức tuyên bố, các em không được biểu diễn tiết mục này
trong buổi lễ nữa!
Thế là công cốc! Bao nhiêu ngày mất
công sức tập luyện bài hát, thế mà cái thằng Tèo mất dạy ấy đã làm cho chúng
tôi ra nông nỗi này đây! Mấy hôm nay, mẹ nó lại ốm phải đi nằm bệnh viện, nên
nó phải ở bệnh viện chăm sóc mẹ. Bây giờ, có muốn đi tìm nó để mà chửi cha nó
lên cũng chẳng được. Cha nó đi bộ đội, đã hy sinh năm 1948. Mẹ nó một mình phải
nuôi ba đứa con dại mà nó là lớn nhất, nên mới học xong lớp ba, nó đã phải nghỉ
học ở nhà làm đủ việc để giúp đỡ mẹ. Có lẽ, cái bài hát “Cây cứt lợn”
ấy, cũng do nó sáng tác trong một lần lên đồi đi cắt cây phân xanh cho mẹ nó
đấy. Nghĩ đến thằng Tèo, chúng tôi càng giận lại càng thương. Cả tuần nay, một
mình nó, vừa phải chăm sóc mẹ ở bệnh viện, lại vừa phải về nhà nấu cơm cho hai
đứa em nhỏ của nó ăn, thật tội!
Sau khi anh Thông biết hoàn cảnh của
thằng Tèo, một cuộc họp ngắn của đội đồng ca nhí của chúng tôi đã diễn ra. Thay
cho những lời khiển trách nặng nề đối với thằng Tèo, anh Thông thân ái nói:
- Theo anh, chúng ta nên đến thăm mẹ
của em Tèo tại bệnh viện. Anh cũng sẽ cùng các em tới bệnh viện thăm mẹ của
Tèo, các em có đồng ý không? Và, anh sẽ đồng ý cho các em được hát lời Hoa của
bài “Tung fang hùng” tại buổi lễ. Thay vào lời Việt của bài hát trên,
các em sẽ hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh”, các em nghe rõ chưa?
Thế và, buổi lễ đón chào ngày ký kết
hiệp định hòa bình Giơ-ne-vơ đã được xã tôi long trọng tổ chức vào ngày 19
tháng Tám, năm 1954, trùng với lễ kỷ niệm ngày chín năm Cách mạng tháng Tám
thành công.
Buổi lễ được bắt đầu từ bảy giờ ba mươi
sáng. Gần ngay sân khấu, có ba hàng ghế dành cho các vị đại biểu và các ông bà
có nhiều công lao đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp ngồi dự.
Trên hàng ghế đại biểu, tôi thấy có
bác Bắc, đại diện cho Mặt trận Liên Việt tỉnh. Có ông Bình, đại diện cho huyện
ủy đảng Lao Động Việt Nam của
huyện nhà. Có đại diện của các đơn vị Quân đội nhân dân đóng trong tỉnh, đại
diện của Công an nhân dân và một số ban ngành khác của tỉnh và huyện.
Trên hàng ghế các gia đình có nhiều
đóng góp cho kháng chiến, có tới vài chục ông bà trong đó có ông Khang và ông
nội tôi. Ông Khang có hai người con trai đều là liệt sĩ. Còn ông nội tôi là
người đã hiến nhiều vàng bạc trong “tuần lễ vàng năm 1946”, hiến nhiều ruộng
cho xã để chia cho dân cày nghèo năm 1950. Ngoài ra, ông nội tôi còn có hai
người con là bác Bắc và cha tôi đều là đảng viên ba mươi ba mốt, hiện nay đang
giữ những chức trách quan trọng trong và ngoài tỉnh.
Sau khi làm lễ chào cờ, hát quốc ca,
lãnh tụ ca và quốc tế ca, ông Khánh chủ tịch xã đã lên đọc một bài diễn văn
tràng giang đại hải ca ngợi quân dân cả nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt của
đảng và Bác Hồ kính yêu đã giành được thành quả hôm nay. Ông còn nhấn mạnh
những đóng góp của các tầng lớp nhân dân xã nhà cho kháng chiến, cho cách mạng
và nhiệt liệt ca ngợi những gia đình có nhiều thành tích, trong đó có ông nội
tôi. Tiếp sau ông Khánh, là bài phát biểu súc tích và hùng hồn của ông Bình
vinh danh quân dân xã tôi và các gia đình có công lao đặc biệt trong xã.
Cuối cùng, vào khoảng 9 giờ sáng, buổi
diễu hành bắt đầu. Đi đầu là những anh chị dân quân, vai mang súng trường xếp
thành hàng tư đi đều bước dưới lá Quốc kỳ và quân kỳ bay phấp phới. Tiếp theo
là hơn chục chiếc kiệu rước những cụ ông, cụ bà có nhiều đóng góp cho cách
mạng, trong đó kiệu rước ông nội tôi được xếp đi đầu. Tiếp sau là các ông già,
bà lão ăn mặc rất đẹp vừa đi vừa phất cờ vẫy tay chào các vị trên khán đài.
Tiếp đến là các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, thiếu niên học sinh vừa đi vừa hô
vang các khẩu hiệu. Lũ trẻ con chưa có đoàn thể của chúng tôi, vì sợ gây ồn ào
mất trật tự, nên ban tổ chức xếp cho đi sau cùng. Ai ngờ, đội ngũ của chúng tôi
lại rất trật tự, mỗi đứa cầm một lá cờ giấy xinh xinh giơ lên, vừa đi vừa hát
vang bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh” và bài “Tung fang hùng” làm xao động bao
nhiêu con tim kính yêu lãnh tụ và thắm tình quốc tế vô sản.
Sau đó mấy ngày, các buổi vui chơi
chào đón ngày hòa bình và lễ quốc khánh mồng hai tháng chín lại diễn ra tại cồn
cát Hương Bộc, một sân vận động của xã ngay cạnh chùa Hương Bộc. Về mặt địa lý,
đây không phải là trung tâm của xã, nhưng lại là một nơi lý tưởng để cắm trại,
hát hò, nhảy múa của thanh thiếu niên học sinh. Hội thi cắm trại được tổ chức
hai ngày liền, ngày mùng một và mùng hai tháng chín. Thanh thiếu niên mỗi làng
được dựng một trại, rồi ban tổ chức chấm điểm. Trại nào dựng cao, rộng, bề thế
và trang trí đẹp sẽ được chấm điểm cao. Có hai trại của thanh thiếu niên Hương
Bộc cao đẹp nhất, được chấm mười điểm. Trại của làng tôi chỉ được tám điểm vì
hơi thấp. Còn lại rất nhiều trại được điểm bảy. Điểm chín có một trại duy nhất
của Thanh Điền vì tuy không cao nhưng được trang trí rất đặc sắc.
Suốt ngày, lũ trẻ con chúng tôi chỉ
rồng rắn đi theo các anh chị lớn rước cờ, đánh trống ếch và hát theo các bài
hát “Tiến về Hà Nôi”, “Giải phóng Điện Biên”, “Hành quân xa”. Đến chiều tối,
chúng tôi lại vừa nhảy múa vừa hát các bài “Yêu hòa bình Tổ quốc chúng ta”,
“Thắm thiết tình Việt Trung Xô”. Rồi bài “Tung fang hùng” cũng được mọi người
đề nghị chúng tôi hát lại nhiều lần. Ngày ấy, chúng tôi ngây thơ nghĩ rằng, Bác
Mao là một người anh lớn của Bác Hồ, và nước Trung hoa vĩ đại là tổ quốc thứ
hai của chúng ta. Vì vậy, ai ai cũng thấm thía công lao trời biển của Bác Hồ.
Và tôi nghĩ, như một bài hát đã viết, Bác Hồ là vị cha già của dân tộc, thì
hiển nhiên Bác Mao cũng là một vị cha gìa của dân tộc Việt Nam. Từ trên lễ đài
kỷ niệm ngày quốc khánh, một bác lãnh đạo của huyện về dự đã dõng dạc đặt câu
hỏi:
- Thử hỏi, nếu không có Bác Hồ, đất
nước ta làm sao có được cuộc cách mạng Tháng Tám thành công lập nên nước
Việt Nam dân
chủ cộng hòa ngày nay? Nếu không có Bác Hồ, làm sao chúng ta có được một Điện
Biên Phủ lừng lẫy địa cầu và lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương? Nếu
không có Bác Hồ, làm sao chúng ta có được một vị lãnh tụ cao quí như Mao Chủ
tịch ở bên cạnh, làm sao chúng ta có thêm được một tổ quốc thứ hai là nước cộng
hòa nhân dân Trung Hoa vĩ đại?
Vị lãnh đạo của huyện nhà vừa dứt lời
thì tiếng hoan hô hưởng ứng vang trời của cả biển người kéo dài tưởng như không
bao giờ dứt.
Và thế là, lễ kỷ niệm Quốc Khánh ngày
2/9/ 1954 ấy đã khắc sâu vào trong tâm khảm non nớt của tôi một niềm tin yêu vô
bờ bến vào Bác Hồ và Bác Mao kính yêu cho tới tuổi trưởng thành.
3-Giấc mơ Thiên Đường tuổi thơ tôi
Vào tối trung thu năm ấy, nhìn vừng
trăng sáng ngời trên bầu trời thu mát rượi, tôi cứ ước ao mình có được một phép
mầu kỳ diệu nào đó để có thể in được hình ảnh Bác Hồ và Bác Mao ngồi bên nhau
trên mặt trăng, làm cho mọi người ở khắp nơi trên thế giới luôn luôn được nhìn
thấy hai vị cha già yêu dấu của dân tộc chúng ta. Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng,
Bác Mao sẽ luôn ở bên cạnh Bác Hồ trong những cuộc cách mạng long trời lỡ đất
cũng như trong mọi chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam.
Rồi đêm đó, sau khi đã ngắm trăng rằm
trung thu ngời sáng, tôi ngả lưng trên chiếc chõng tre ngoài sân ngủ quên lúc
nào không biết và đã chìm dần vào một giấc mơ kỳ diệu. Trong mơ, tôi thấy ba
tôi mặc một bộ com lê rất đẹp dắt năm anh em chúng tôi trong những bộ quần áo
màu sắc rực rỡ từ trên máy bay bước xuống. Ba tôi nói, do những đóng góp cho
cách mạng từ những năm Ba Mươi đến nay, người đã được đảng và Bác Hồ thưởng cho
một chuyến chuyến tham quan hai nước Liên Xô và Trung Hoa anh em.
Vừa bước xuống sân bay, chúng tôi đã
được hàng ngàn thiếu nhi Liên Xô hân hoan chào đón bằng những bó hoa tươi thắm.
Ba tôi nói, “Đây là Thiên Đường của chủ nghĩa cộng sản! Các con đến đây như đến với những người anh
em ruột thịt của mình”. Tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy những người anh chị em
ruột thịt khác màu da nồng nhiệt chào đón và ôm hôn chúng tôi thắm thiết. Sau
lễ đón, chúng tôi được xe ô tô đưa về một nhà khách rất lớn, ở đó đã bày sẵn
một bữa tiệc thịnh soạn. Ba tôi lại nói, “Các con cứ ăn uống thỏa thích vì ở cái
Thiên Đường có thật của loài người trên mặt đất này, của cải vật chất nhiều vô
kể nhưng đều là của chung nên hoàn toàn không có kẻ giàu người nghèo,
không có áp bức, bóc lột và tranh cướp lẫn nhau”. Sau bữa tiệc, chúng tôi lại
được xe ô tô đưa đi tham quan nhiều danh lam thắng cảnh của nước Nga Xô Viết.
Chúng tôi còn được dạo chơi trong những khu rừng bạch dương ngút ngàn tầm mắt
giữa mùa thu vàng óng ả. Bên những dòng suối trong xanh, hàng ngàn muông thú
chạy nhảy vui đùa với những bạn nhỏ Nga đẹp như những thiên thần đang vừa đi
vừa hát những lời ca du dương... Sau những ngày được các anh các chị và các bạn
nhỏ Nga tiếp đón nồng hậu, chúng tôi lại được lên máy bay tới thăm đất nước
Trung Hoa láng giềng anh em của chúng ta.
Vừa đến sân bay của thủ đô Bắc Kinh,
chúng tôi đã được xe ô tô đón thẳng về Lễ Đường Thiên An Môn để tham dự buổi
mít tinh chào đón Chủ Tịch Hồ Chí Minh của chúng ta sang thăm Trung Quốc. Trên
quảng trường đã có tới hàng triệu người tay cầm cờ hai nước hô vang:
- Hồ Chủ tịch muôn năm! Mao Chủ tịch
muôn năm!
- Tình hữu nghị Trung Việt đời đời bền
vững muôn năm!
Rồi hàng triệu tiếng hô “muôn năm”
vang trời dậy đất làm cho tôi có cảm tưởng ở quê nhà xa xôi mẹ tôi cũng có thể
nghe thấy được. Nhìn lên lễ đài, tôi tận mắt thấy Bác Hồ và Bác Mao ôm hôn nhau
rồi đứng sát bên nhau đang giơ tay vẫy chào các binh chủng quân Giải phóng
Trung Quốc hùng dũng diễu qua. Xung quanh chúng tôi là những ánh mắt trìu mến
của những người dân dự mít tinh. Tôi có cảm tưởng thân thương như đang đứng
giữa những người bà con ruột thịt của mình. Rồi bỗng một bà mẹ Trung Hoa ân cần
nắm chặt lấy tay tôi và lay gọi:
- Văn ơi, dậy ăn sáng để đi học con
ơi! Hôm nay là ngày khai trường học kỳ hai đó!
Tôi bừng tỉnh dậy thì thấy mẹ tôi đang
vừa quét sân vừa gọi. Tôi cứ lơ ngơ vì còn ngái ngủ và trong lòng vẫn còn lưu
luyến những điều tôi vừa được trải qua trong giấc mơ kỳ diệu đó. “Giấc mơ Thiên
Đường” của tôi có lẽ cũng là ước mơ cháy bỏng của ba tôi, của bác tôi, của anh
Quân và của hàng triệu người con ưu tú đã hi sinh xương máu và tuổi trẻ của
mình trong lao tù thực dân cũng như trên chiến trường vì độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội của đất nước chúng ta. Đó là giấc mơ Thiên Đường đã mãi mãi đọng
lại trong ký ức của tôi suốt cả cuộc đời này.
Có lẽ cũng nhờ “Giấc Mơ Thiên Đường”
này và những giấc mơ thần tiên khác mà tôi đã vượt qua được những ngày đi ở và
đi ăn xin đói đứt bữa trong thời kỳ Phát Động Giảm Tô và Cải Cách Ruộng Đất
trên quê hương tôi. Những giấc mơ này cũng đã giúp tôi qua được những ngày nhịn
đói đến trường làng, trường tỉnh và những ngày học đại học phải lang thang sơ
tán hết tỉnh này sang tỉnh khác. Những giấc mơ trên cũng đã giúp tôi nén được
đau thương khi nghe tin người em trai yêu dấu của tôi đã ngã xuống giữa chiến
trường. Chúng cũng đã phần nào giúp tôi qua được thời kỳ ăn bột mỳ mốc và hạt
bo bo mà vẫn say sưa giảng bài trên các bục giảng đường của trường đại học
nhiều năm trời nữa.
Nhưng thật may mắn đến gần cuối cuộc
đời, tôi đã nhận thức được, “Hai Bác” ngồi bên nhau trên vầng trăng thơ ấu
trong giấc mơ của tôi ngày xưa ấy chính là hai trong số những tên đồ tể lớn
nhất Thế Kỷ 20 của nhân loại chúng ta. Và “Giấc mơ Thiên Đường tuổi thơ tôi”
chính là giấc mơ đã lừa gạt cả dân tộc Việt Nam của tôi suốt gần 70 năm qua.
Chính vì cái giấc mơ hão huyền này mà hơn 4 triệu thanh niên Việt Nam ở cả hai
miền Nam, Bắc đã phải máu đổ xương rơi trong một cuộc chiến tranh huynh đệ
tương tàn ác liệt nhất trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc Việt Nam.
Tiếc thay, cái “Giấc mơ Thiên Đường
tuổi thơ tôi” hiện nay vẫn đang ngày ngày được tiếp tục lường gạt hàng triệu
trẻ thơ Việt Nam thơ ngây trên ghế nhà trường nhằm mục đích để sau này, sẽ biến
chúng thành những người lính cầm súng trung thành với chế độ XHCN và đảng cộng
sản, những kẻ đã từng vẽ ra cái giấc mơ Thiên Đường cộng sản này để lừa bịp
hàng chục triệu người dân Việt Nam trong đó có tôi!
Dân đen chỉ lừa dối một người, hay giết một người phải trả giá bằng cả cuộc đời đi tù. Bọn là chính tri nó giết cả triệu người, lừa gạt cả trăm triệu người, đưa cả đất nước vào nghèo đói mà chúng vẫn nhơn nhơn ăn trên ngồi trốc. Lại còn xưng tụng là công ơn trời biển này nọ. Thật là quá thể. Người VN bây giờ nhiễm độc quá nặng rồi, kể cả trí thức cũng không giải độc được.
Trả lờiXóaĐau đớn lắm cái lầm to thế kỷ
Trả lờiXóaSử sách ngàn đời còn mãi khắc ghi!
Mấy chục năm trời xương máu đổ đi
Thử hỏi dân đen thu được những gì?
Ngoài một số từ lừa mị kẻ ngu si!
Người nông dân trước gọi cu li
Người lính cũ nay gọi là chiến sĩ
Song vẫn vác, vẫn khuân, vẫn đói nghèo, vẫn bị
Đẩy đi chiến trường chết hoài, chết phí
Cho một lũ Trung Uơng lợn ỷ!
Đau đớn lắm cái lầm to thế kỷ
Sử sách ngàn đời còn mãi khắc ghi
NCT, 1970