Đặng Huy Văn
Mùa hè năm 1954, tôi đang ở tuổi lên
mười. Tôi đã học xong học kỳ một của lớp Hai và đến tháng chín năm ấy sẽ vào
học tiếp học kỳ hai của lớp Hai.
Hồi đó, có lẽ do chiến tranh, nên năm học mới không bắt đầu vào tháng chín như bây giờ, mà lại bắt đầu từ tháng giêng của năm dương lịch. Sau hơn ba năm chật vật học đi, học lại lớp Một, năm ấy lên học lớp Hai, tôi cũng đã phần nào biết thân biết phận, học tập chăm chỉ hơn. Nhưng, kết thúc học kỳ một của lớp Hai, tôi cũng chỉ được xếp vào loại học sinh trung bình của lớp, vì môn toán và môn chính tả điểm còn thấp. Điều thật không ngờ là, khi tôi cầm giấy báo kết quả học tập học kỳ một về cho ông nội xem, ông nội tôi chẳng những không mắng mà còn âu yếm nói:
- Cháu ông đứa nào cũng học giỏi, học lên cao rồi thế nào cũng thoát ly hết. May còn có cháu, sự học không được thông đạt lắm, lại mạnh khỏe, sau này ở nhà cày ruộng cho ông bà, biết đâu ông bà lại được nhờ cháu!
Ông nội tôi nói vậy, nhưng tôi nghĩ có lẽ ông cũng không vui lắm. Đúng là hơn chục đứa cháu của ông, kể cả nội lẫn ngoại, ai đi học cũng mỗi năm một lớp cả. Thậm chí còn có một số anh chị năm nào cũng đứng đầu lớp. Vậy nên, cứ vào đầu năm học mới, ông nội tôi thường được nhà trường mời đi dự lễ khai giảng, ngồi trên hàng ghế danh dự. Khi nghe ông nội nói thế, tôi nhìn ông như đã biết lỗi:
- Ông ơi, cháu biết ông rất buồn vì cháu chưa xứng đáng là cháu nội của ông! Từ nay, cháu xin hứa sẽ cố gắng chăm chỉ học hành, để ông khỏi buồn, ông nhé!
Thấy tôi nói chân thành như thế, ông nội mới xoa đầu tôi nói:
- Cháu ơi, không phải ai đi học cũng học giỏi được đâu! Nó tùy thuộc vào trí thông minh bẩm sinh và niềm đam mê của mỗi người cháu ạ. Vì thế mới có câu, “Mỗi người thì có một nghề. Con phượng thì múa,con nghê thì chầu”. Ông thấy cháu thích chăn trâu giúp mẹ, thích suốt ngày bắt chim, bắt cá ngoài đồng thì niềm đam mê của cháu gắn bó với đồng ruộng. Trở thành một người nông dân cũng tốt cháu ạ! Có điều, muốn làm một nông dân giỏi thì cũng phải biết cái chữ. Nuôi cháu đi học năm năm trời, mà nay cháu chưa học xong lớp Hai thì ông cũng không được vui lắm. Nhưng ông không giận cháu đâu. Việc học hành phải xuất phát từ niềm khát khao từ bên trong lòng mình. Nếu cháu không khao khát, không thích học thì ở nhà làm ruộng giúp ông bà, giúp mẹ cháu cũng tốt mà.
Nghe ông nội nói thế, tôi cũng tạm thấy yên lòng. Đúng là, phần lớn bọn trẻ chăn trâu cùng tôi, có đứa nào học giỏi đâu. Chẳng qua nhà chúng nó nghèo, nên đi học mà không lên được lớp thì về nhà có mà ốm đòn, nên chúng không dám trốn học đi chơi như tôi mà thôi. Mấy đứa ngày trước học vỡ lòng cùng tôi, nay đã lên lớp Bốn cả rồi. Thỉnh thoảng, tôi thấy chúng nó cũng có vẻ khinh tôi ra mặt, nhưng tôi không thèm chấp. Con nhà khố rách, biết thêm mấy cái chữ, liệu có thoát được cái khố rách đã đeo bám gia đình chúng mấy đời người rồi không? Học lớp Bốn rồi mà không có đứa nào thuộc nổi một câu Kiều. Chúng nó cũng chẳng biết Nguyễn Du là người nào, chẳng biết Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là ai, không biết kể một chuyện cổ tích nào cả, thì lớp Bốn chứ lớp bốn mươi, tôi cũng coi bằng cái đinh.
Tôi bắt đầu vào học lớp Một tháng giêng năm 1951. Thầy giáo dạy tôi là thầy Hoan, ở trọ trong nhà ông bà nội tôi. Cũng có thể vì thế mà tôi không sợ thầy. Cứ đầu giờ có mặt một lúc là tôi chuồn khỏi lớp. Lúc thì trốn ra ngoài đồng chăn trâu với bọn trẻ con cùng xóm, lúc thì trốn về bên nhà mẹ tôi lôi mấy quyển sách của ba tôi ra đọc.Vì tôi được ông nội dạy học chữ và tập đọc từ ngày mới lên năm tuổi, nên tôi mê đọc lắm.Vớ được cái gì cũng đọc. Một hôm, tình cờ thấy anh cả tôi lôi từ trong tủ sách của ba tôi ra mấy quyển sách dày cộp, cả sách tiếng Pháp và tiếng Việt. Thế là nhằm khi anh tôi đi học vắng, tôi trốn vào kho sách của anh ấy tìm vài cuốn để đọc.
Quyển sách đầu tiên hút hồn tôi là cuốn “Quốc văn sơ học độc bản”, in từ thời Pháp thuộc. Cuốn sách này dày cộp, nhưng trang nào cũng lôi cuốn trí tò mò của tôi. Ngày ấy, gần như đọc đến đâu, tôi nhập tâm đến đó, mặc dù nhiều đoạn tôi không hiểu người ta nói gì. Tôi nhớ nhất là những trang nói về thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu với bức chân dung rất điển trai của ông in ngay đầu trang làm tôi như say. Bài thơ “Thề Non nước” của Tản Đà tôi cũng đã thuộc lòng từ ngày đó. Lớn lên, tôi cứ mong có lại được quyển sách ấy để học làm văn, nhưng không thể tìm đâu được nữa. Tôi cũng còn nhớ thêm vài tác giả khác được in trong đó như Phạm Duy Tốn, Chu Mạnh Trinh, Phạm Quỳnh...Cuối năm ấy, khi anh cả tôi phát hiện ra tôi thường xuyên trốn học để về nhà đọc quyển sách này, thì anh tôi cất nó đi đâu biệt tăm. Từ đó về sau tôi không nhìn thấy nó nữa.
Kết thúc năm học thứ nhất của lớp Một, vì môn chính tả và môn toán của tôi quá kém nên thầy Hoan đề nghị ông nội tôi cho tôi học lại lớp Một thêm một năm nữa cho chắc. Hơn nữa, so với bọn học sinh trong lớp tôi hồi bấy giờ, tôi còn ít hơn chúng tới vài ba tuổi.
Đầu năm 1952, tôi lại được anh cả tôi dẫn đến đến nhập học năm thứ hai của lớp Một. Năm nay, thầy Hoan vẫn là thầy giáo của chúng tôi, nhưng thầy không còn ở trọ tại nhà ông bà nội tôi nữa. Bắt đầu năm học mới, tôi hứa với ông bà nội và mẹ tôi nhiều lắm. Nào là không trốn học nữa, nào là sẽ viết chữ thật đẹp, nào là sẽ làm toán thật giỏi để cho bọn học sinh trong lớp phải lác mắt... Hứa vậy, nhưng không hiểu vì sao, cứ đến lớp học được một lát là tôi lại biến. Năm ấy là năm thứ hai học lớp Một của tôi, nên những gì thầy dạy lại ở lớp càng làm tôi ngán lên đến tận cổ. Tôi không làm được con toán nào, kể cả cọng từ nhân chia đơn giản. Viết chính tả thì lỗi be bét từ đầu đến cuối. Chữ viết thì mấy con gà bới bếp phải gọi tôi bằng cụ. Ngày nào đến lớp, tôi cũng bị thầy giáo cho điểm xấu và thường xuyên bị phạt vì hay mất trật tự trong lớp. Vì thế, tôi lại càng chán và tìm cách trốn học nhiều hơn.
Tôi nhớ, dạo đó đang là mùa xuân. Ngày nào, chim én cũng bay lượn rợp trời trên cánh đồng làng. Tôi lại trốn học theo mấy anh lớn ra đồng bẫy chim én. Chúng tôi lấy những que tre đã phết sẵn nhựa dính vào đầu ngọn, rồi cắm lên những nấm mộ ngoài nghĩa địa. Đợi khi chim én mỏi cánh sà xuống “nghỉ ngơi” trên đó là chúng tôi đi thu lượm “chiến lợi phẩm” về. Tất nhiên, chiến lợi phẩm thu được, tôi đều trả các anh ấy vì tôi không giám mang về nhà do sợ bị mẹ tôi la. Hôm nào trời mưa, không ra ngoài đồng được thì tôi lại cắp sách đến trường. Tôi cũng đã gìành rất nhiều thời gian để chăn trâu và làm các việc lặt vặt trong nhà giúp mẹ, vì mẹ tôi dịp đó đang mang thai đứa em út, nên thường xuyên bị mệt. Chính vì thế mà mẹ tôi không mắng, mặc dù biết tôi vẫn thường xuyên trốn học.
Giữa năm 1952, mẹ tôi sinh cậu em trai út và ngày nào cũng ru em tôi trên võng bằng những câu thơ lục bát tuyệt hay, làm tôi thuộc được rất nhiều câu. Rồi tình cờ, tôi phát hiện ra những câu thơ mẹ tôi thường dùng để ru em đó nằm trong một quyển sách rất dày, đã rách mất bìa và vài trang đầu, ở mỗi trang chỉ in có mười dòng thơ ở trên cùng, còn phía dươi in toàn tiếng Pháp. Thấy tôi mải mê đọc cuốn này, anh tôi không mắng mà còn giải thích:
- Đây là Truyện Kiều do Nguyễn Văn Vịnh chú thích và dịch ra tiếng Pháp. Em có thể đọc và học thuộc những câu Kiều ở mỗi đầu trang với điều kiện không được trốn học nữa, thì anh mới cho em mượn sách.
- Em hứa sẽ không trốn học nữa! Anh cho em học thuộc Kiều để còn ru em út giúp mẹ nữa mà!
Nhưng, lời hứa của tôi cũng chỉ được mấy ngày là đã bị cuốn theo chiều gió. Dạo đó là tiết thu đang vào mùa bão lụt. Sau mấy ngày mưa là nước từ trên núi tràn về ngập trắng lăng cánh đồng. Tôi lại theo anh lớn con nhà bác Bắc chặt chuối đóng bè chèo đi từ làng nọ sang làng kia. Lần đó, khi đang chèo bè sang làng bên cạnh, chúng tôi còn được một bà bạn của mẹ tôi mời vào nhà cho ăn khoai, rồi gửi về biếu mẹ tôi một bó chè to để uống dần. Mang chè về cho mẹ tưởng được khen, nào ngờ bị mẹ tôi cho một trận đòn nên thân. Mẹ tôi vừa đánh roi vừa la mắng ầm ỹ trong nước mắt:
- Nhà vô phúc mới đẻ ra thằng qủy đi bơi nước lụt suốt ngày như con! Con không biết là trận lụt năm ngoái đã cuốn trôi một lúc bảy đứa trẻ à? Sao tôi lại khổ như thế này, trơi ơi là trời!
Thầy mẹ tôi vừa ẳm em vừa khóc, tôi không cầm được lòng, đành phải qùy xuống van xin mẹ:
- Mẹ ơi, con đã biết lỗi rồi! Từ nay trở đi, con không dám bơi bè chuối trong nước lụt nữa, mẹ hãy tha lỗi cho con!
Rồi mùa đông gió heo may đã về. Sau những ngày gió mùa đông bắc mang mưa dầm tới, là những ngày heo hắt nắng. Lần đó, tôi lại trốn học đi bắt chim ngói. Do được sự đồng ý của ông nội tôi, thầy Hoan đã kéo cả lớp đi tìm và quyết bắt bằng được tôi về lớp học.
Khi cả thầy và trò phát hiện ra tôi
đang ngồi trong một bụi cây để rình bẫy chim, mọi người liền bổ vây tôi tứ phía
và gọi:
- Văn ơi, em về lớp học ngay! Nếu em không về, nhà trường sẽ đuổi hẳn ra khỏi trường, không cho em học tiếp nữa, nghe chưa?
Tôi biết lần này thật sự nghiêm trọng, nhưng có lẽ thầy giáo cũng chỉ nói dọa thế thôi, chứ đuổi học hẳn thì chắc không phải. Lúc đó, tôi đang vừa chán học lại vừa xấu hổ, nên nhân thể, tôi phải cố tình làm cho nhà trường đuổi học luôn càng tốt. Nghĩ thế rồi, tôi liền lao ra khỏi bụi cây và nhảy xuống một ruộng lúa nước ngay gần đó. Lúa thì tốt, nước lại sâu và lạnh nên thầy giáo sợ bị ướt quần không dám lội xuống ruộng. Thầy Hoan đang bối rối chưa biết làm thế nào, thì có ba thằng trong lớp xin phép thầy cho nhảy xuống ruộng lúa lôi tôi lên. Hoảng quá, tôi liền bốc bùn dưới ruộng ném lên bờ, làm cho cả thầy cả trò sợ lấm bùn phải bỏ chạy. Sau lần đó, tôi chính thức bị nhà trường đuổi học.
Về đến nhà, tưởng mẹ tôi sẽ đánh đòn, nào ngờ mẹ lại bảo:
- Nhà mình đang thiếu người chăn trâu. Thôi, con không thích đi học thì ở nhà chăn trâu cho các anh con đi học cũng được. Chỉ sợ không biết làm việc thôi, chứ không biết chữ cũng không chết đói đâu, con ạ!
Thế là tôi như chim sổ lồng được làm theo sở thích của mình. Ngày ngày, tôi đi chăn trâu cho mẹ, chiều về đọc Kiều ru em. Rôi tôi lôi từ trong tủ sách của ba tôi ra, nào chuyện cổ tích các loại, nào chuyện ngụ ngôn Ê-zốp, nào “Thạch Sanh”, nào “Tống Trân Cúc Hoa”, và mấy cuốn tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, của Vũ Trọng Phụng, của Ngô Tất Tố, của Nguyễn Công Hoan,...Rồi, tôi vừa trông em, vừa ngốn ngấu đọc và đọc. Mặc dù trong số đó, có rất nhiều chuyện tôi không hiểu người ta nói gì.
Năm mới 1953 đã đến! Ba tôi lúc bấy giờ đang là ủy viên thường vụ tỉnh ủy của một tỉnh lớn, bị đau dạ dày phải về dưỡng bệnh tại nhà, nên tôi buộc phải đi học lại năm thứ ba của lớp Một. Trước khi bước vào năm học mới, tự tay ba tôi chuẩn bị sách vở cho tôi và nói:
- Nếu cuối năm nay, con không lên được lớp Hai mà phải lưu ban lớp Một lần nữa thì coi như việc học hành của con sẽ chấm dứt vĩnh viễn. Sau này, lớn lên phải làm người ngu dốt, con đừng oán trách ba mẹ đã không lo cho việc học hành của con chu đáo nhé. Việc học của con là phải do con tự giác, cha mẹ không thể ép con được, con ạ!
Thầy dạy học năm thứ ba lớp Một của tôi là một cô giáo người Quảng Nam tên là Tấn. Cô Tấn đã đứng tuổi, lại là bạn của ba mẹ tôi, nên cô quan tâm dạy dỗ tôi từng con toán, từng nét chữ, từng lời ăn tiếng nói. Thỉnh thoảng đến thăm ba mẹ tôi, cô chỉ nói, “Anh chị về bắt cháu luyện thêm chữ viết vì nó viết chữ xấu quá, còn toán thì nay cháu cũng đã làm được tàm tạm rồi.”
Nhưng không hiểu vì sao, một hôm tôi lại gây ra một chuyện làm cô Tấn bực mình như thế. Chuyện là hôm ấy, cô Tấn giảng về các loại câu hò của ba miền Bắc, Trung, Nam. Sau đó, cô bảo chúng tôi lần lượt, ai biết câu hò nào thì hò lên cho cả lớp cùng nghe. Các bạn trong lớp tranh nhau hò và có đứa hò những câu rất hay làm cô Tấn phấn khởi lắm. Đến lượt thằng Tâm làng tôi, nó lấy ngay câu khẩu hiệu treo ở trụ sở làng tôi ra hò:
Ơ... ơ... ơ... ơ... hò...
Việt Nam dân chủ cộng hòa
Đàn ông đuổi Pháp, đàn bà đánh Tây
Hò ơi là... ơi... ơi... ơ... ơ... hò...!
Thấy câu hò của thằng Tâm có ý nghĩa, nên cô Tấn hết lời khen ngợi:
- Câu hò của em Tâm vừa hay, lại vừa có ý nghĩa phục vụ kháng chiến. Các em nên sưu tầm thêm những câu hò tương tự như thế, để nhà trường in thành một tập các câu hò kháng chiến cho cả trường học nhé! Em nào có nhiều câu hò hay, sẽ được nhà trường khen thưởng trong dịp tổng kết cuối năm học, nhớ chưa?
- Chúng em nhớ rồi ạ! - Cả lớp đồng thanh hưởng ứng.
Khi nghe cô giáo nói thế, tôi cảm thấy hơi khó chịu. Câu hò này là câu khẩu hiệu, do anh cả tôi mang từ trường cấp hai Đại Thành về, viết vào bảng gỗ treo ở trụ sở thôn, nó mang ra hò, chứ có gì ghê gớm mà cô khen quá lời như thế! Để đáp lại câu hò của thằng Tâm, tôi quyết định phải bịa ra một câu hò khác để làm cho nó bẽ mặt. Nhưng đã gần kết thúc buổi học, mà tôi vẫn không nghĩ ra được câu hò nào thật hay. Bỗng, tôi nhớ tới một câu hò trẻ chăn trâu chúng tôi đã nhại câu khẩu hiệu vừa rồi để trêu bọn con gái. Thế là, tôi xung phong lên đứng trước lớp làm cô Tấn mừng lắm. Thấy tôi có vẻ ngập ngừng, cô còn động viên:
- Em cứ bình tĩnh, hò lên thật to cho cả lớp cùng nghe!
Được sự động viên của cô giáo, tôi hít
một hơi thật sâu, rồi cất tiếng:
Ơ... hò... ò... ò... ò,
Việt Nam dân
chủ cộng hòa
Thằng Tây đổ bộ, đàn bà ngồi run
Hò lên là ơ... ơ... ơ... ơ... ơ... hò...!
Giá mà câu hò này được cất lên ngoài cánh đồng cùng lũ trẻ chăn trâu thì
đã được một trận cười thoải mái. Nhưng đây là lớp học, lại đang đứng trước mặt
một cô giáo lớn tuổi rất nghêm khắc nên cả lớp sợ quá, lặng đi. Cô giáo cũng
lặng đi một lúc, mặt cô như tím lại. Cuối cùng, cô giáo giận dữ nhìn tôi trân
trân, rồi bảo:
- Em về chỗ ngay!- Rồi cô quay xuống nhìn cả lớp- Ai dạy em câu hò này? Đây là câu hò của lũ trẻ chăn trâu thất học! Các em có biết “đàn bà” ở đây là ai không, hả? Là bà, là mẹ, là chị, là cô giáo của các em đó! Em nỡ đưa những con người thân yêu của các em ra mà đùa trước một buổi học nghiêm túc như thế này được sao? Hay là em tin rằng, khi quân giặc đến, những người bà, người mẹ của các em sẽ hèn nhát ngồi run. Việt Nam ta là một dân tộc anh hùng, tất cả phụ nữ Việt Nam đều là những người anh hùng! Văn, em hãy đứng lên xin lỗi cô giáo và xin lỗi những người mẹ của chúng ta, em nghe rõ chưa?
Thấy cô giáo nói thế, tôi vừa ngượng, vừa cảm thấy mình bị mắng oan. Tuy còn nhỏ, nhưng suy từ mẹ tôi ra, tôi cũng đã hiểu được rằng, đối với các bà mẹ, con cái của họ mới quí giá hơn hết thảy, hơn cả trời, hơn cả Phật. Tôi còn nhớ một lần, máy bay địch ném bom ở làng bên, mẹ tôi run run bế em út tôi trên tay và hét mấy anh em chúng tôi chui xuống hầm trú ẩn lạc cả giọng đi, “Các con ơi xuống hầm mau! Nhỡ có đứa nào bị làm sao thì mẹ không thể nào sống nổi đâu!”
Thế đó! Nếu có giặc Tây đổ bộ xuống làng, tôi nghĩ rằng, các bà mẹ sẽ rất lo lắng và run sợ. Họ run sợ vì họ lo cho sự an toàn tính mạng của các con mình, chứ không phải vì họ là những người hèn nhát. Kể cả khi buộc phải đánh giặc, thì trước hết, họ cũng phải biết các con nhỏ của mình có được an toàn chưa đã. Nghĩ thế rồi, tôi mạnh dạn đứng lên:
- Thưa cô, nếu cô cho rằng câu hò của em đã xúc phạm cô, thì em thành thật xin lỗi cô. Nhưng câu hò của em không xúc phạm các bà mẹ, vì em thấy ở làng em, các bà mẹ có con nhỏ rất sợ máy bay, rất sợ thằng Tây đổ bộ xuống làng, cô ạ! Có lần máy bay giặc tới, em còn thấy mẹ em run run bế đứa em nhỏ mới sinh của em trên tay, ngồi dưới hầm trú ẩn cầu nguyện, “Lạy trời, lạy Phật, thằng Tây đừng đổ bộ xuống đây!”
- Đúng, sự thật là như thế! Nhưng nếu chúng ta đưa cái sự thất ấy vào ca dao hò vè, thì làm sao có thể động viên bà con ta hăng hái đánh Pháp được, hả? Văn nghệ cách mạng là phải biết thổi phồng cái ưu tú cá biệt thành cái phổ biến, và cái phổ biến không có lợi cho cách mạng phải được thu nhỏ lại thành cái cá biệt. Bác Hồ đã từng nói, “văn nghệ là một thứ vũ khí lợi hại của cách mạng”. Đã là vũ khí thì ta phải biết chế tạo nó theo ý đồ của mình chứ? Thôi, cô tha cho Văn lần này vì em còn khờ dại, nhưng từ nay phải nhớ lời cô dặn, nghe chưa?
Được cô giáo tha cho, tôi nhẹ cả người, nhưng vẫn còn ấm ức. “Tại sao làm cách mạng là cứ phải nói dối mọi người thì mới được cách mạng chấp nhận?”
Nhưng may mắn, cuối năm học đó, nhờ sự dạy bảo nghiêm khắc và tận tình của cô Tấn mà kết quả học tập năm học thứ ba lớp Một của tôi đã không đến nỗi nào. Cả lớp có năm mươi học sinh thì tôi được xếp thứ bốn hai và sang năm học tới, tôi sẽ được dự kỳ thi kiểm tra môn toán để lên thẳng lớp Hai. Đối với ông bà nội và ba mẹ tôi, đó quả là một niềm vui khôn tả.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in cái buổi kiểm tra môn toán thi lên lớp Hai năm ấy. Bài thi chỉ có bốn phép tính cộng trừ nhân chia, và mỗi phép tính có năm bài toán nhỏ. Tôi làm xong nộp bài trước, rồi còn quay lại bày bài cho mấy đứa cùng làng. Hôm sau công bố kết quả, bài thi của tôi sai mất một nửa, nhưng may cũng đủ điểm để lên thẳng lớp Hai.
Đầu năm 1954, lên lớp Hai, tôi được học với thầy Nhuân, một thầy giáo cao to, quắc thước và còn nghiêm khắc hơn cô Tấn rất nhiều. Tuy vậy, tôi vẫn còn giữ được nhiều thói quen xấu của ba năm học lớp Một để lại. Đó là, hay nói chuyện riêng trong lớp, hay trốn học đi chơi và thỉnh thoảng còn đánh lộn nhau với các bạn trong giờ giải lao nữa. Vì thế, tôi được thầy Nhuận xếp vào diện học sinh cá biệt. Và thầy nghiêm khắc với tôi hơn hẳn các học sinh nghịch ngợm khác của lớp. Nhưng cậy mình là con cháu nhà giàu, nên thấy thầy giáo càng nghiêm khắc, tôi càng quậy. Một hôm, lúc thấy thầy giáo đang mãi giảng bài trên lớp, tôi lấy bút vẽ những chiếc nơm bắt cá to nhỏ khác nhau vào vở học. Đang là mùa lũ tiểu mãn, cá ngược đồng đẻ trứng nhiều vô kể, nên có được một cái nơm bắt cá đang là mơ ước của tôi. Đang say mê vẽ những ước mơ của mình lên giấy thì bỗng có một tiếng quát lớn của thầy giáo:
- Văn, em đứng dậy ngay! Em hãy nói lại cho cả lớp nghe, nãy giờ thầy đã giảng những gì trên lớp?
- Dạ thưa..., dạ thưa thầy...
- Nãy giờ em đang làm gì, trả lời ngay?
- Thưa thầy, em vẽ...- Tôi không thể nói dối được, nên đã trình cho thầy xem những giấc mơ dang dở của tôi vẫn còn nguyên trên trang vở.
Thầy liền tiến lại phía tôi, lướt mắt qua hình vẽ những chiếc nơm trên trang vở, rồi giận dữ quát:
- Để ngay hai bàn tay lên mặt bàn!
Lúc đó, tôi chỉ còn biết nhắm mắt lại và nghe tiếng cái thước kẻ trên tay thầy đang đập vun vút vào mười đầu ngón tay của mình! Khi mở mắt ra nhìn, thì tất cả mười đầu ngón tay tôi đã sưng vù và rớm máu. Lúc đó, tôi không còn thấy đau ở tay nữa mà cảm thấy tê buốt đến tận gan ruột.Tôi giận sôi lên, vùng dậy chạy ra khỏi lớp và chạy thẳng một mạch về nhà không thèm ngoái đầu lại.
Về nhà, tôi thuật lại toàn bộ câu chuyện cho mẹ tôi nghe. Mẹ không mắng tôi mà chỉ lấy nước muối rửa sạch vết thương rồi bôi thuốc sát trùng lên mười ngón tay cho tôi. Tôi phải nghỉ học và nghỉ chăn trâu mất mười ngày liền. Ngày nào, ông nội cũng sang thăm khám cho tôi và cho tôi uống một loại thuốc viên gì đó. Hơn mười ngày sau thì tôi đi chăn trâu được, và tôi đã van xin mẹ tôi đừng bắt tôi đi học nữa.
Khoảng hai tuần sau, vào một buổi sáng chủ nhật, đột nhiên thấy thầy Nhuận đến thăm nhà tôi. Tôi đang chuẩn bị dong trâu ra đồng, thì mẹ tôi gọi tôi vào chào thầy và nói:
- Con hãy quỳ xuống xin lỗi thầy giáo
đi!
Tôi qùy xuống khoanh tay trước mặt
thầy Nhuận, nhưng chưa kịp nói gì cả thì thầy đã dùng hai tay cầm lấy vai tôi,
đỡ tôi đứng dậy và nói:
- Hôm ấy, thầy nóng quá nên đánh em như vậy là sai. Em hãy tiếp tục đi học đi, thầy hứa sẽ không bao giờ đánh em nữa!
Lúc đó mẹ tôi mới lên tiếng:
- Thưa thầy, hôm ấy cháu về nhà, tôi đã hỏi đầu đuôi câu chuyện. Cháu nói, cháu có lỗi và thầy xử phạt cháu nghiêm khắc là đúng. Ông cha ta đã có câu, “Thương con cho đòn cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”. Thầy có yêu thương, muốn trò tiến bộ, thầy mới đánh đòn, có phải không ạ? Gia đình rất cám ơn thầy đã thương cháu như con. Tôi chỉ xin thầy, lần sau có đánh thì thầy dùng roi, bắt nằm xuống đánh vào mông, kẻo đánh vào tay như hôm trước dễ bị nhiễm trùng lắm.
- Em mong thầy tha lỗi cho em, từ nay em xin hứa sẽ chăm chỉ học tập và luôn nghe lời thầy! - Tôi cũng tiếp lời mẹ tôi xin lỗi thầy, nhưng không ngờ, mẹ tôi lại nói tiếp:
- Thầy giáo ạ, cháu ở nhà vẫn ngoan ngoãn nết na, biết thương em, chăm làm mọi việc giúp đỡ mẹ. Cháu chỉ có mỗi một tội, là không thích đi học thôi. Không biết là rồi đây, tương lai của cháu sẽ thế nào?
Khi đó, thầy Nhuận mới nhìn vào cái khuôn mặt tròn tròn sạm đen vì cháy nắng và cái trán ngắn chỉ bằng chưa đầy một nửa ngón tay của tôi, ái ngại nói:
- Cháu không học được thì ở nhà làm ruộng cũng tốt, chị ạ! Nhưng gia đình nên động viên và tạo điều kiện để cho cháu học xong cấp một rồi hẵng nghỉ, kẻo tội nghiệp. Vừa rồi, tôi đánh cháu như vậy là không đúng, tôi thành thực xin lỗi gia đình! Từ ngày mai, gia đình hãy cho cháu đến trường. Tôi xin chịu trách nhiệm động viên và nâng đỡ cháu, để cháu có thể theo kịp các bạn trong lớp.
Từ đó trở đi, thầy Nhuận đã đối xử với tôi tốt đến bất ngờ. Thầy luôn luôn thân ái quan tâm đến tôi. Hôm nào thấy tôi đã làm bài tập ở nhà, thầy liền gọi tôi lên bảng chữa bài tập, làm cho cả lớp ngạc nhiên về sự tiến bộ của tôi. Vì thấy được thầy giáo quan tâm và thương yêu mình, nên tôi ngồi học rất trật tự và luôn luôn chăm chú lắng nghe bài giảng của thầy. Thỉnh thoảng, tôi lại còn mạnh dạn giơ tay xin phát biểu làm thầy giáo cũng rất phấn khởi. Hóa ra, cái trận đòn bằng thước kẻ vào mười đầu ngón tay của thầy Nhuận đã làm tôi trở thành một người học trò khác hẳn. Về nhà, ngày nào tôi cũng chịu khó tập viết chính tả do anh tôi đọc cho, chịu khó làm bài tập toán, rồi học thuộc lòng bảng cửu chương nữa...
Sự tiến bộ trong học tập của tôi đã làm cho cả ông bà nội cũng phải ngạc nhiên. Hôm bắt đầu kỳ nghỉ hè, ông nội tôi sang chơi và âu yếm nói với tôi:
- Cháu ơi, sau này lớn lên nếu có nên người thì cháu phải tạ ơn thầy Nhuận, người đã bằng tình thương yêu của mình, uốn nắn cháu từ một học trò hư trở thành một học sinh chăm ngoan. Ông hy vọng, đây sẽ là cái mốc đầu tiên để cháu ông có thể bước tiếp trên con đường đời đang rộng mở thênh thang trước mắt. Nghỉ hè ít hôm cho thoải mái rồi tập viết chữ và tập làm toán cho giỏi để khỏi phụ lòng thầy Nhuận cháu nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét