Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

III-CHÀO MỪNG CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ



Đặng Huy Văn

1-Tuổi thơ tôi và quê hương mừng thắng trận

Chúng tôi vừa mới nghỉ hè được vài hôm thì tin “quân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ” không biết từ đâu tới mà lan nhanh như gió lào đầu hạ. Làng trên lan xuống xóm dưới. Xã này truyền sang xã khác... Rồi tiếng trống, tiếng mõ, tiếng thanh la não bạt... liên hồi rộ lên khắp nơi. Hễ gặp mặt nhau ai ai cũng reo hò vui sướng “Thắng trận rồi! Thắng trận rồi!”. Từ trẻ tới già ai cũng hò hét khản cả giọng tựa như tin thắng trận vừa lan tới là chỉ riêng có họ biết, mặc dù phần đông trong số họ chẳng ai biết Điện Biên Phủ nằm ở đâu trên bản đồ Việt Nam cả.

Còn đối với lũ trẻ con chúng tôi thì “Điện Biên Phủ” là một cái gì đó nghe rất bí ẩn, chẳng ai hiểu mô tê gì cả. Có đứa còn mạnh mồm bảo đó là cái Điện thờ nhà ông Biên ở ngoài cầu Phủ. Nhưng nhà ông Biên là nhà ai thì chính cái thằng mạnh mồm ấy cũng ngắc ngứ không trả lời được. Đặc biệt chúng tôi càng không thể hiểu “thất trận” là gì, mà tại làm sao lại gọi là thất trận!

Tôi chợt nhớ, có lần nghe anh cả đi học về bàn luận với mấy người bạn cùng lớp ở trường cấp hai Đại Thành nói loáng thoáng, có một trận đánh gì đó đang xẩy ra ở Điện Biên Phủ. Trong trí tưởng tượng của tôi, Điện Biên Phủ là một vùng nào đó nghe rờn rợn tựa như âm phủ, nơi chỉ có ma quỉ mới tới được. Sau đó vài tuần, lại thấy anh cả nói với ông nội tôi rằng, tại Điện Biên Phủ bộ đội ta bị thương vong nhiều lắm và quân Pháp đang bị sa lầy ở đó. Khi ấy trong đầu tôi, hình ảnh Điện Biên Phủ giống như một cái đầm lầy vô cùng rộng lớn lại hiện ra. Có thể quân ta không may bị trượt chân rơi xuống đầm lầy ấy khi đang trên đường hành quân, nên bị thương vong nhiều, điều đó dễ dàng hiểu được. Nhưng quân Pháp có máy bay ngày nào cũng rẹt qua làng để ném bom vào những nơi chúng nghi ngờ có quân ta trú ngụ. Vậy làm sao mà chúng lại bị sa xuống cái đầm lầy ấy được? Tôi tự hỏi rồi lại cố tìm câu trả lời, nhưng bất lực. Tất cả các ý nghĩ cứ mẫu thuẫn trong tôi. Đang lan man nhớ tới câu chuyện anh cả tôi nói với ông nội hôm nào thì bỗng thấy ông trưởng thôn cầm cái loa đi vòng quanh khắp làng thông báo:

- Loa... loa loa...! Loa... loa loa...! Bà con chú ý lắng nghe điện từ Trung ương vừa chuyển về! Chúng ta đã toàn thắng tại mặt trận Điện Biên Phủ! Quân Pháp đã bại trận hoàn toàn! Chúng ta đã bắt sống tướng Đờ Cát của giặc. Hơn một vạn quân Pháp đã ra hàng...Tuy chúng ta đã giành được thắng lợi to lớn nhưng toàn dân không được mất cảnh giác chủ quan khinh địch! Cay cú vì thất trận tại Điện Biên Phủ, bọn Pháp có thể dùng máy bay ném bom oanh tạc vào các vùng hậu phương của ta. Vậy, trong khi vui mừng thắng trận, bà con không nên tụ tập đông người, không nên thắp đèn đốt đuốc ngoài trời vào ban đêm! Loa... loa loa...!

Nghe đến đây, tôi mới mang máng hiểu ra rằng, có một trận đánh lớn giữa quân ta và quân Pháp tại một nơi nào đó có tên là Điện Biên Phủ. Tại đó quân ta đã thắng, quân Pháp đã thua. Tướng giặc bị bắt và hơn chục ngàn lính Pháp đã ra hàng. Nghĩa là, ta đã đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ, nhưng tại những nơi khác, quân Pháp vẫn đang chiếm đóng và có thể từ đó chúng sẽ dùng máy bay ném bom đánh phá hậu phương của ta ác liệt hơn. Thế mà chúng tôi đang định về nhà làm thật nhiều đuốc ra đốt suốt đêm ngoài sân đình.

Không được đốt đuốc, chúng tôi bảo nhau về nhà mang cả mâm đồng, chậu thau, nồi niêu xoong chảo ra đánh inh ỏi rồi kéo nhau đi vòng quanh khắp làng trên xóm dưới. Đi đến đâu, chúng tôi cũng gây náo động làm chó sủa râm ran. Giá mà ngày thường, chắc các ông bố bà mẹ cũng đã cho mỗi đứa một trận đòn nên thân vì tội gây náo loạn lại còn làm hỏng cả đồ đạc nữa. Vậy mà hôm nay, nhiều ông bố bà mẹ còn đi theo chúng tôi, vừa đi vừa hò hét như trẻ con. Chúng tôi còn bé nên không thể hiểu được cái niềm vui của người lớn. Cái niềm vui ấy chắc nó lớn khủng khiếp lắm, bởi vì nhiều ông nhiều bà đi theo chúng tôi cũng hét lạc cả giọng đi. Rồi có bà còn khóc rống lên: “Con ơi! Sao con không còn sống được đến hôm nay để ăn mừng thắng lợi này!” Tôi nhận ra đó là bà Mại. Năm ngoái, người con trai duy nhất của bà ấy đã ngã xuống tại mặt trận Bình Trị Thiên, vừa rồi bà ấy mới nhận được giấy báo tử.

Đã quá nửa đêm. Gió Lào vừa khô vừa nóng, thổi càng lúc càng mạnh, nghe rào rào qua những vườn lá cọ, qua rặng tre rìa làng làm cho đứa nào cũng khát nước khô cả cổ họng. Sau nhiều lần vòng quanh làng trên xóm dưới, tất cả chúng tôi đều mệt rả rời nhưng không đứa nào chịu ra về. Phải đến khi phụ huynh quát mắng thì chúng tôi mới chịu về nhà đi ngủ. Càng về đêm, tiếng chiêng, tiếng mõ, tiếng trống ngũ liên từ khắp nơi vọng về càng âm vang dồn dập và nghe như đang bay đến từ những miền, những cõi rất xa. Những âm thanh kì diệu ấy đã đưa tôi vào giấc ngủ. Và, cái đêm tráng lệ âm thanh ấy, không biết bằng cách nào đã đi vào tiềm thức của tôi suốt cả cuộc đời. Mấy chục năm đã trôi qua rồi, nhưng giờ đây thỉnh thoảng có những đêm tôi bất chợt thức giấc bởi những âm thanh như thế bỗng vẳng lên từ một cõi xa xăm vô định nào đó. Tại đấy, hình như có cả ông bà nội tôi, cả ba mẹ tôi và cả bao nhiêu ông già bà lão trong làng, những người đã về chầu tổ tiên có cả trên vài chục năm rồi, đang vỗ tay cổ vũ chúng tôi hò hét, hát ca, khua chiêng đánh trống ăn mừng ngày chiến thắng vẻ vang của cái thời trẻ con oai hùng đã hơn sáu mươi năm lùi xa vào quá vãng.

Hòa chung niềm vui bất tận ấy, mấy hôm sau các thầy cô giáo của chúng tôi ở trường cũng tổ chức một buổi ăn mừng chiến thắng Điện Biên Phủ dưới tán cây đa chùa Cơn Da, Hương Bộc. Nhà trường đã mời được vài sĩ quan quân đội tới nói chuyện về các diễn biến của chiến dịch oai hùng này. Sau khi nghe nói chuyện, chúng tôi mới biết Điện Biên Phủ là một vùng đồi núi ở miền Tây Bắc của tổ quốc. Cuối năm 1953, quân Pháp đã đổ bộ xuống Điện Biên Phủ xây dựng một tập đoàn cứ điểm quân sự lớn nhất Đông Dương nhằm chiếm đóng đất nước ta lâu dài. Vì vậy, Bác Hồ và chính phủ ta đã quyết định tập trung một lực lượng bộ đội rất lớn tại đây để tiêu diệt bằng được cứ điểm này.
Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1954, các trận đánh ác liệt giữa quân ta và quân Pháp đã diễn ra tại Đồi Him Lam, Đồi A1, sân bay Mường Thanh... và kết thúc chiến dịch vào cuối giờ chiều ngày mùng 7 tháng 5 bằng một cuộc tổng tấn công cuối cùng vào chỉ huy sở của giặc, bắt sống tướng Đờ Cát và hơn một vạn hàng binh của quân địch, thu được rất nhiều xe tăng đại bác và súng đạn các loại. Tiếp sau đó, một vị sĩ quan khác đã nói rất nhiều về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân đội ta mà tiêu biểu là những tấm gương hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ như Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn,...

Cuối buổi lễ, thầy hiệu trưởng cũng lên phát biểu. Thầy nhấn mạnh: chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một đòn chí tử đập tan ý chí xâm lược của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, là chiến thắng to lớn của toàn thể giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Rồi thầy còn nói rất nhiều về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng may ra chỉ có người lớn nghe mới hiếu được. Còn chúng tôi chỉ thích nghe chuyện quân ta thu được bao nhiêu xe tăng, bao nhiêu đại bác và bao nhiêu súng đạn xe pháo của địch mà thôi.

Không hiểu sao hồi đó, hễ nghe nói đến súng đạn, xe tăng, đại bác, máy bay... là chúng tôi đứa nào cũng nôn nao háo hức. Có lẽ bởi vì, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thường bắt chước các anh chị dân quân tổ chức tập “quân sự” ngay cạnh đình làng. Tôi còn nhớ, có một lần đi xem các anh các chị ấy tập ném lựu đạn. Chúng tôi cũng bắt chước tổ chức hai đội ném thi lựu đạn ngay gần đó để xem đội nào có người ném được xa nhất. Đến lượt mình, anh Hai tôi cũng cầm một mẫu gạch cố hết sức chạy lấy đà ném về hướng qui định, nhưng chẳng may trượt chân và mẫu gạch đi lệch hướng. Kết quả là, mẫu gạch thay vì phải đến gốc cây đa, lại bay đúng vào đầu anh đại đội trưởng dân quân xã, làm cho anh ấy chảy máu đầu và bị choáng ngã lăn quay xuống bãi tập. Anh Hai lập tức bị giải ngay về nhà ông nội tôi và bị ông tôi cho một trận đòn lằn ngang lằn dọc. Từ đó về sau, chúng tôi bị cấm không được chơi trò ném lựu đạn nữa. Vì thế sau này, chúng tôi chuyển sang trò đánh trận giả. Có những hôm trăng sáng, chúng tôi chơi trò quân xanh quân đỏ đánh nhau đến tận nửa đêm. Kết thúc mỗi trận đánh, bên nào thua là phải nộp vũ khí tự tạo như lựu đạn gỗ, mìn củ chuối, súng báng gỗ nòng trúc, điện đài bằng ống bơ...cho bên thắng trận.

Do sợ máy bay địch ném bom nên xã tôi mãi vẫn chưa định được ngày làm lễ ăn mừng chiến thắng một cách hoành tráng. Nhưng chỉ ít ngày sau, làng tôi được đón nhận rất nhiều thương bệnh binh về làng an dưỡng. Nhìn những anh bộ đội xanh gầy, nhiều anh cụt chân cụt tay bước đi phải có người dìu nhưng anh nào cũng rạng rỡ nụ cười trên môi làm dân làng đỡ lo lắng. Có lẽ họ nén đau đớn vào trong để bà con dân làng khỏi bận lòng. Nhưng cũng có thể đó là nụ cười chiến thắng của những người lính Cụ Hồ đã xả thân mình cho nền độc lập của đất nước. Nhà ông bà nội tôi được đón bốn anh, hai anh cụt một chân và hai anh là bệnh binh ở cùng để giúp đỡ hai anh cụt chân đi lại. Tất cả họ đều gầy gò, nước da vàng bủng nhưng nét mặt còn trẻ lắm, có lẽ tuổi chỉ độ mười chín đôi mươi. Sau một vài tuần được ông nội tôi cắt thuốc bắc cho uống, sức khoẻ của các anh đã khá hơn và chúng tôi đã được các anh ấy kể cho nghe rất nhiều chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt là các trận đánh giằng co ác liệt giữa ta và địch. Đọc được ánh mắt tò mò của lũ trẻ chúng tôi, các anh thương binh đã kể vì sao lại bị thương như thế. Đó là trong trận đánh đầu tiên tại Đồi Him Lam, khi các anh ấy đang cố xông lên để chọc thủng hàng rào kẽm gai của địch, thì một loạt quả đạn cối từ đồn giặc phóng ra phát nổ, làm nhiều bộ đội ta thương vong. Hai anh ấy cũng bị thương nặng và đành phải để hai cái cẳng chân của mình lại tại một bệnh viện giã chiến của mặt trận. Còn hai anh bệnh binh cũng đã từng đánh giáp lá cà với lính Pháp trên Đồi A1, rồi sau đó tham gia đào hầm dưới lòng đất chia cắt sân bay Mường Thanh của địch. Do nằm dưới hầm sâu lầy lội ẩm thấp nhiều ngày nên cả hai anh đều bị thương hàn suýt chết. Các anh ấy còn kể rất nhiều về vị Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tất cả tấm lòng tin yêu và cảm phục.

Khi sức khoẻ của các anh ấy đã gần hồi phục, các anh bắt đầu dạy chúng tôi học hát. Các anh ấy đã dạy chúng tôi nhiều bài hát mới. Các bài hát như “Quê em miền trung du”, “Bộ đội về làng”, “Đường lên Tây Bắc”, “Qua miền Tây Bắc”, “Hành quân xa”, “Giải phóng Điện Biên”... chúng tôi đều được học từ ngày đó. Cảm động nhất là bài “Hò kéo pháo”. Hôm ấy, sau khi mấy anh em tôi đã thuộc được lời bài hát, một anh cụt chân chống nạng đứng lên đề nghị tất cả mấy anh em chúng tôi và cả bốn anh bộ đội cùng biểu diễn bài hát đó. Dây kéo “pháo” là hai sợi thừng dắt trâu được buộc vào hai chân cái bàn bằng đá cẩm thạch đặt ở góc sân. Một anh bệnh binh làm chỉ huy và tất cả mấy anh em tôi và các anh thương bệnh binh còn lại làm lính kéo pháo. Khi bài hát đến đoạn cao trào “Dốc... núi... cao... cao... nhưng... lòng quyết tâm còn cao hơn núi...”, tất cả mấy anh em chúng tôi đều cao hứng dốc hết sức kéo mạnh quá nên dây thừng bị đứt, làm một anh cụt chân ngả sõng soài đầu đập vào thềm nhà bằng đá, máu chảy lênh láng và ngất xỉu. May mà ông nội tôi là thầy thuốc bắc giỏi cấp cứu kịp thời nên đến đêm thì anh ấy tỉnh lại. Khi vừa tỉnh, anh ấy đã nắm chặt lấy tay tôi và hỏi “có em nào làm sao không?” làm tất cả chúng tôi cảm động oà lên khóc. Nhưng cũng từ đó, ông nội không cho phép chúng tôi quấy rầy các anh ấy nữa. Một thời gian sau, các anh ấy được chuyển đến một trại an dưỡng thương binh mới xây dựng ở gần thị xã. Và từ đó, tôi không bao giờ được gặp lại các anh ấy. Tôi chỉ nhớ, anh thương binh cụt chân bị ngả ngất xỉu tên là Bình, quê ở Quảng Trị, năm đó mới tròn mười chín tuổi.

2-Ông nội tôi ca ngợi lãnh tụ Ma-hat-ma Gan-đi của Ấn Độ

Đầu tháng bảy, tức hai tháng sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, anh Quân, con cả nhà bác tôi mới được về phép. Ông nội tôi thấy cậu cháu đích tôn được trở về nhà lành lặn sau mấy tháng trời tham gia chiến dịch Điện Biên thì mừng lắm. Ông nội ôm chặt lấy anh ấy một lúc lâu. Hai hàng nước mắt của ông rơi lã chã làm ướt đẫm cả vai áo anh. Tôi ở với ông nội suốt cả thời thơ ấu, nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy nước mắt ông rơi như thế. Chắc ông nội đã phải mỏi mòn âu lo chờ đợi tin tức anh ấy suốt cả mấy tháng trời chiến dịch, nên ông mới xúc động đến như thế. Giờ đây, khi đã được lên chức ông nội rồi, tôi mới thấu hiểu được nỗi lòng của ông nội tôi khi đó.

Sau vài ngày nghỉ ngơi, ông nội tôi đã gọi anh Quân sang nhà để kể chuyện chiến thắng Điện Biên cho mọi người cùng nghe. Chuyện anh kể thật giản dị nhưng rất hấp dẫn. Đúng là có trình độ có khác. Trước khi nhập ngũ, anh ấy đã tốt nghiệp trường cấp hai Đại Thành, một trường phổ thông nổi tiếng của tỉnh tôi hồi bấy giờ. Vào quân đội, anh đã được kết nạp vào đảng. Và khi chiến dịch gần kết thúc, anh ấy đã là chính trị viên của một tiểu đoàn pháo cao xạ từng tham gia bắn rơi nhiều máy bay địch tại Điên Biên Phủ. Anh kể, trận đầu pháo cao xạ của ta bất ngờ xuất kích làm cho máy bay địch hoảng loạn, có chiếc tự lao đầu vào núi bốc cháy, nhiều chiếc bị bắn rơi tại chỗ. Hôm sau, máy bay giặc kéo đến đông hơn ném bom và bắn xối xả vào trận địa pháo hôm trước của ta, nhưng chúng đâu ngờ trận địa của ta đêm trước đã dời sang nơi khác. Và từ trận địa mới, quân ta xả đạn vào máy bay địch làm chúng hết hồn bỏ chạy, để lại nhiều chiếc bốc khói ngùn ngụt trên bầu trời. Từ đó trở đi, máy bay giặc không giám bay thấp nữa. Những đoàn máy bay tiếp tế của giặc sợ súng cao xạ của ta bắn hạ, phải bay lượn lờ trên tầng cao rồi thả dù hàng tiếp tế xuống. Vì thế, rất nhiều lương thực và đạn dược của giặc do máy may của chúng thả xuống, đã bị gió thổi bay sang trận địa quân ta. Hai cái khăn quàng bằng vải dù do anh Quân tặng ông bà nội, chính là những chiến lợi phẩm mà đơn vị anh ấy đã thu được từ những món hàng tiếp tế đó của giặc Pháp.

Ông bà nội tôi ngồi nghe anh kể chuyện say sưa, thỉnh thoảng lại lau nước mắt. Có lẽ đó là những giọt nước mắt yêu thương xen lẫn tự hào của ông bà nội về người cháu đích tôn đã lớn lên trong vòng tay của ông bà suốt cả thời thơ bé.
Thế rồi trong một lần trò chuyện với ông nội, bỗng nhiên anh nhìn ông nội và hỏi:

- Ông ơi, trong lịch sử dân tộc ta, ông thấy đã có chiến thắng nào lừng lẫy oai hùng như chiến thắng Điện Biên Phủ chưa ông? Đã có vị tướng nào sánh được với Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp của chúng ta chưa ông? Ông kể thêm cho chúng cháu nghe đi! Hiểu biết về lịch sử của chúng cháu hãy còn non lắm.

Anh nói thế, cũng có ý tự hào về cái chiến thắng mà mình đã tham gia, nhưng cũng ngầm kính nể các hiểu biết về lịch sử của ông nội. Vì ngày bé, khi còn ở với ông, ông nội vẫn thường kể cho anh nghe về các vị anh hùng của dân tộc như Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung và biết bao tấm gương oanh liệt của các nhân vật lịch sử khác. Thời trẻ, ông nội tôi đã từng vào kinh đô Huế đèn sách tới tám năm trời. Đã thi đỗ thành chung và đang định ở lại Huế để học lên nữa thì nổ ra phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Ông nội tôi lúc bấy giờ đang cùng một số bạn đồng môn theo tiếng gọi của cụ Phan chuẩn bị lên đường sang Nhật du học thì không ngờ bà cụ nội tôi ở quê biết tin. Nghe nói, hồi phong trào Cần vương, ông ngoại của ông nội tôi cũng đã từng hộ giá Vua Hàm Nghi ra vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh để tổ chức đánh Pháp. Chẳng may, ông cụ đã bị bọn Pháp bắt được và sau đó đã bị chúng bắn chết ngay trong núi. Bà cụ nội tôi bị mồ côi cha từ đó nên rất sợ ông nội tôi cũng sẽ bị chúng bắt và giết chết, bèn lập tức gọi ông về nhà lấy vợ, vì ông nội tôi là con trai duy nhất nối dõi của dòng tộc. Sau khi cưới vợ, cụ nội đã bắt ông tôi ở nhà để trông coi cái gia sản đồ sộ mà tổ tiên đã để lại chứ không cho ông vào Huế nữa. Từ đó, ông nội tôi đã mở tiệm thuốc bắc ngay tại nhà, vừa để cứu giúp bà con trong làng trong xã, vừa để giao du với các chí sĩ yêu nước gần xa. Khi nghe câu hỏi của người cháu đích tôn, một chính trị viên tiểu đoàn trẻ tuổi nhưng đã khá chững chạc, ông nội tôi đã từ tốn nói:

- Ông không phải là người am tường lịch sử lắm. Nhưng theo ông, dân tộc ta cũng đã từng có nhiều chiến thắng hiển hách không kém. Ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông của Vua quan nhà Trần, trong đó có chiến thắng Bạch Đằng Giang lịch sử với sự chỉ huy tài tình của thống soái Trần Hưng Đạo chẳng hạn. Quân Mông Cổ hồi đó rất hùng mạnh, đã đánh chiếm tới gần nửa thế giới chứ đâu phải vừa. Rồi cuộc kháng chiến mười năm đánh đuổi giặc Minh và chiến thắng Chi Lăng oai hùng của Lê Lợi và Nguyễn Trãi đâu có kém. Còn chiến thắng Đống Đa lừng lẫy của quân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Qung Trung Nguyễn Huệ đã làm cho triều đình Nhà Thanh phải khiếp đảm, chắc cháu cũng chưa quên, phải không?

- Nhưng ông ơi, đó là chiến thắng của các triều đại phong kiến lạc hậu, làm sao có thể so sánh được với chiến thắng Điện Biên Phủ ngày nay. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một thắng lợi vĩ đại của giai cấp vô sản Việt Nam do một đảng Mác Xít - Lê nin nít và Bác Hồ kính yêu lãnh đạo. Nó là thắng lợi của tình đoàn kết và sự giúp đỡ vô tư của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, ông ạ. Ông có biết không, trong suốt thời gian chiến dịch, đồng chí cố vấn quân sự cấp cao của chính phủ Trung Quốc, do đích thân Mao Chủ tịch cử sang, đã ngày đêm bên cạnh đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta để kịp thời tham mưu giúp đỡ. Ngoài các cố vấn và chuyên gia quân sự, Trung Quốc, Liên Xô và các nước anh em còn giúp đỡ chúng ta súng đại bác, súng cao xạ, các loại xe pháo, đạn dược và nhiều thứ khác nữa. Để đánh đuổi một thằng giặc có máy bay, đại bác, xe tăng hiện đại như thế, chỉ có gậy tầm vông và lòng dũng cảm thôi thì làm sao mà thắng lợi được, có phải thế không ông?

Khi nghe anh Quân nói, “nhờ có sự giúp đỡ to lớn của các nước khác, ta mới thắng được giặc Pháp”, ông nội tôi chau mày lại như đang nhớ lại một điều gì đó rất hệ trọng. Nhưng, ông nội bỗng ôn tồn nói với anh Quân:
- Nói chuyện say sưa như thế chắc cháu mệt rồi. Nào, ông cháu ta hãy tạm nghỉ ăn khoai và uống nước chè tươi cái đã!

Trong khi ông cháu tôi ăn khoai uống nước chè, bà nội còn mang lên một nải chuối chín vàng để ăn tráng miệng nữa. Đúng là từ ngày anh Quân về phép, ông bà nội tôi như trẻ lại. Anh ấy đã trở thành niềm tự hào của cả họ tộc chúng tôi. Đi đến đâu, anh ấy cũng được bà con nồng nhiệt tiếp đãi. Và cũng từ ngày anh ấy về, hình như người trong làng ngoài xã, mọi người càng kính trọng ông bà nội tôi hơn. Ăn khoai uống nước xong, ông nội tôi có vẻ trầm tư nói với anh:

- Cháu ơi, ông bây giờ đã già và lạc hậu lắm rồi, nên không biết có lầm lẫn không. Nhưng theo ông, nếu để giành được chiến thắng mà chúng ta phải dựa vào nước ngoài nhiều như thế, thì có lẽ, có cái gì đó không ổn cháu ạ. Ngày xưa, nàng Mỵ Châu vì muốn giúp vua cha nên đã dựa vào Trọng Thủy, và cuối cùng đã làm vua cha mất cả cơ đồ. Trần Ich Tắc, Lê Chiêu Thống cũng đã từng muốn dựa vào nước ngoài để bảo vệ ngai vàng xã tắc, mà đã dẫn tới mất cả giang sơn. Lịch sử đã cho thấy, hễ ta chấp nhận sự giúp đỡ của một quốc gia nào đó, tức là chúng ta đã phần nào chịu sự lệ thuộc vào họ, mà cái giá phải trả trong tương lai có thể không phải là nhỏ đâu. Nếu cháu thấy ông nói có điều gì không đúng thì cháu bỏ qua cho ông nhé!

- Thưa ông, những điều ông nói rất đúng với lịch sử, rất đúng với quá khứ. Nhưng theo tài liệu mà chúng cháu đã được học tập, thì điều đó không còn phù hợp với hiện tại nữa, ông ạ! Lịch sử thế giới ngày nay đã thay đổi rồi! Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã mở ra cho nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cách mạng vô sản do giai cấp công nhân lãnh đạo. Sau Đại chiến Thế giới lần thứ Hai, cách mạng vô sản đã thành công ở một loạt nước và đã hình thành một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Giờ đây, câu nói “tứ hải giai huynh đệ” không còn là mơ ước của các nhà hiền triết xưa nữa, mà nay đã trở thành hiện thực trên một nửa quả địa cầu của chúng ta rồi! Sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em là hoàn toàn vô tư, chứ không như các thời phong kiến lạc hậu cổ hủ xa xưa đâu ông ạ. Hơn nữa, để đánh bại được những tên đế quốc to như Pháp, tuy phải lấy sức mình là chính, nhưng nếu không có sự giúp đỡ to lớn của các nước anh em, thì vừa qua làm sao chúng ta có được “chiến thắng Điên Biên lừng lẫy địa cầu” như thế hả ông?

- Cháu ơi, các nước láng giềng của chúng ta trước đây cũng đều là những nước thuộc địa của bọn thực dân Âu Mỹ cả. Họ làm gì có những “chiến thắng lừng lẫy địa cầu”, làm gì có được “những sự giúp đỡ vô tư của các nước xã hội chủ nghĩa anh em” như chúng ta, mà tại sao họ vẫn giành được độc lập. Lại còn có quốc gia không cần phải đánh nhau, không cần phải đổ nhiều xương máu mà vẫn giành được độc lập như Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của ngài Ma-hat-ma Gan-đi chẳng hạn. Cháu ơi, thấy cháu đích tôn của ông phải giãi sương dầm nắng, băng qua lửa đạn hết chiến trường này tới chiến trường khác như thế, ông lo lắng lắm! Không còn con đường nào khác để giành độc lập cho dân tộc mà ít phải đổ máu xương hơn hả cháu? Đức Phật từng dạy, “Lấy ân báo oán mới có yên bình, lấy oán báo oán thì muôn đời loạn lạc” cơ mà! Ông nghe nói, Bác Hồ của chúng ta hồi ở châu Âu cũng đã từng kết bạn với ngài Ma-hat-ma Gan-đi đấy. Vậy mà không hiểu vì sao, hai người lại chọn hai con đường giành độc lập cho tổ quốc mình khác hẳn nhau? Ông cho cháu mượn một cuốn sách nói về ngài Ma-hat-ma Gan-đi đây, cháu về nghiên cứu rồi lúc nào rỗi, ông cháu ta lại trao đổi thêm với nhau nhé. Quyển sách này tuy viết bằng tiếng Pháp nhưng đọc cũng dễ hiểu, vì tác giả là một nhà sử học Ấn Độ cháu ạ!

Khi nghe ông nội nói thế, anh Quân im lặng cầm xem qua quyển sách một lúc, rồi lễ phép thưa:

- Hôm nay, ông cháu ta trao đổi nhiều vấn đề như thế chắc ông mệt rồi, mà cháu cũng hơi mệt, ông ạ! Vấn đề mà ông nêu ra, để mai kia cháu xin phép trả lời ông sau, có được không ông?

Ông nội tôi trìu mến nhìn người chính trị viên tiểu đoàn đầy bản lĩnh và còn dặn thêm, “cháu nhớ giữ gìn sức khỏe nhé, chờ vài hôm nữa ba cháu ở tỉnh về rồi cha con, ông cháu sẽ nói chuyện nhiều”. Bác tôi hiện đang công tác tại Mặt trận Liên Việt của tỉnh nhà nên bận lắm. Gần hai tháng nay, lúc ở huyện này, mai ở huyện khác, bác tôi suốt ngày suốt tối đi nói chuyện với bà con các nơi về chiến thắng Điện Biên Phủ, nên chưa được về nhà nghỉ một ngày nào. Nhận được tin anh con cả về phép, bác thu xếp hai hôm nữa mới về thăm nhà được.

Hôm bác tôi về đến nhà, ông nội làm mấy mâm cơm mời anh em bà con trong họ tộc đến dự để đón chào “người chiến sĩ Điện Biên yêu dấu” của ông. Hôm ấy, mọi người ai cũng vui. Nhưng có lẽ, người vui mừng nhất là ông nội tôi. Thường ngày, ông nội tôi rất ít uống rượu, nhưng hôm ấy ông uống nhiều đến nỗi say mèm. Ông cầm chén rượu trên tay run run, lảo đảo đi từ mâm này qua mâm khác, nói đi nói lại một câu, “Cháu tôi đã chiến thắng trở về, nên bây giờ, tôi có thể chết được rồi! Các anh các chị hãy uống đi! Uống nữa đi để mừng cho ông cháu tôi. Uống đi! Uống đi! Uống nữa đi!” Cuối cùng, ông say quá gục xuống bàn phải mấy người mới dìu được ông vào giường nằm nghỉ.
Hai hôm sau, anh Quân sang chào ông bà nội để chuẩn bị lên đường về đơn vị. Ông đã khỏe lại, nhưng đượm buồn vì nghe nói sắp phải xa người cháu đích tôn. Anh Quân trả lại ông nội tôi cuốn sách và lo lắng nói:

- Cháu không hiểu bằng cách nào mà ông có cuốn sách này, nhưng xin ông tha lỗi cho cháu, đây là một quyển sách rất phản động ông ạ! Ông Ma-hat-ma Gan-đi này tự nhận mình là bạn thân của Bác Hồ, nhưng theo cháu đời nào Bác Hồ, một lãnh tụ của giai cấp công nhân lại đi kết bạn với một trí thức lớn như ông ấy. “Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc trốc tận rễ!” Trí thức là đối tượng số một của cách mạng. Từ ngày đảng ta mới ra đời, năm 1930, Bác Hồ đã nêu khẩu hiệu như thế cơ mà! Và cái cách làm của ông Gan-đi ấy là một kiểu thủ tiêu đấu tranh rất tiêu cực, làm sao có thể so sánh được với con đường cách mạng vô sản mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã lựa chọn. Ngày nay, Ấn Độ và các nước láng giềng của ta, đang nhìn chúng ta một cách thèm muốn và ghen tị đấy ông ạ! Mặc dù các nước đó đã giải phóng được dân tộc, nhưng biết đến bao giờ họ mới giải phóng được giai cấp hả ông? Dưới sự dẫn dắt của Bác Hồ, chúng ta đã và đang tiến hành một cuộc cách mạng vô sản vĩ đại, vừa giành được độc lập cho dân tộc, lại vừa giải phóng được giai cấp, ông thấy có kì diệu không? Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, chúng ta sẽ đưa đất nước ta tiến thẳng lên chế độ cộng sản chủ nghĩa. Việt Nam chúng ta sẽ là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á xây dựng được một xã hội không còn chế độ sở hữu tư nhân, không còn kẻ giàu người nghèo, và do đó, hoàn toàn xóa bỏ được chế độ người bóc lột người ông ạ. Khi đó, nhờ có phương thức và quan hệ sản xuất tiên tiến nhất, của cải vật chất do xã hội làm ra hoàn toàn thỏa mãn được nhu cầu của tất cả mọi người, nên ai ai cũng được “làm theo sức lực, hưởng theo nhu cầu” đúng như lời Mác- Anghen đã dạy. Các nước khác ở Đông Nam Á, có lẽ cả trăm cả nghìn năm nữa, cũng không thể nào theo kịp được đất nước chúng ta đâu, ông ạ! Ông hãy giữ gìn sức khỏe để sống lâu hơn nữa mà hưởng những thành quả của cuộc cách mạng, mà chính các con, các cháu của ông đã và đang hy sinh cả máu xương của mình mới giành được, ông nhé! Cháu rất mong được gặp lại ông, khi cách mạng nước nhà đã hoàn toàn thắng lợi!

Ông nội tôi rụt rè cầm lại quyển sách từ tay người cháu đích tôn, mà ông yêu quí hơn mọi thứ trên đời. Rồi ông đã ôm choàng lấy người cháu yêu và khóc như là sẽ không bao giờ được gặp lại anh ấy nữa. Khi tiễn anh ra đến cổng, ông tôi nói như mắng yêu người cháu:

- Cha tổ bay, đúng là giỏ nhà ai quai nhà nấy! Mấy tháng trước, ông cũng đã đưa cuốn sách này cho ba cháu đọc và ba cháu cũng đã nói với ông như thế. Thôi, ông xin nhận là ông đã lạc hậu rồi nhé! Tiến lên một xã hội cộng sản văn minh như thế ai mà chẳng thích hả cháu. Chẳng qua là, ông sợ chiến tranh cứ kéo dài làm ông không thể sống được đến ngày đó để gặp lại cháu mà thôi! Cháu đi nhớ giữ gìn sức khỏe, công tác tiến bộ và chăm biên thư về cho ông bà với nhé!

Cầm lại cuốn sách từ tay anh Quân, ông nội cẩn thận để lại cuốn sách lên trên giá. Quyển sách này là quà tặng của một người bạn đồng môn của ông đã từng nhiều năm giảng dạy môn lịch sử tại đại học Sooc-bon bên Pháp, năm ngoái về chơi đã tặng ông. Ông nội đã đọc đi, đọc lại cuốn sách này nhiều lần. Đầu đề sách được ông dịch ra tiếng Việt cho chúng tôi nghe là “Ma-hat-ma Gan-đi cuộc đời và sự nghiệp”. Sau này lớn lên, tôi cũng đã từng đi tìm mua cuốn sách này xuất bản bằng tiếng Việt để đọc lại, nhưng không tìm thấy.

Anh Quân đi rồi làm cho anh em chúng tôi ai cũng cảm thấy hụt hẫng vì thương, vì nhớ. Đứa nào cũng mong, lớn lên sẽ được trở thành anh bộ đội cụ Hồ như anh ấy. Ôi, cái con đường anh ấy đi mới thênh thang làm sao! Sự nghiệp mà anh ấy đang theo đuổi mới vĩ đại làm sao! Ba tôi đã đi theo đảng làm cách mạng gần ba mươi năm nay, đã có thời kỳ mấy năm liền là ủy viên thường vụ tỉnh ủy của một tỉnh lớn, nhưng chưa bao giờ người nói cho chúng tôi nghe về cái tương lai sán lạn của cách mạng hấp dẫn như anh ấy đã nói. Còn nhớ hồi tôi mới lên sáu tuổi, một lần tôi trèo lên tận ngọn cây mít trước nhà để bắt ve, ông bà nội tôi sợ quá bảo mãi nhưng tôi vẫn không chịu xuống. Anh Quân đã trèo lên ngọn cây lôi tôi xuống và cho tôi một trận đòn nên thân, làm tôi thù anh ấy cả năm trời. Vậy mà nay, khi chia tay anh ấy tôi cũng sụt sùi khóc làm bà nội phải dỗ mãi tôi mới nín. Bây giờ đây tôi mới hiểu, hồi đó anh Quân đánh đòn tôi vì anh ấy lo cho tính mạng của tôi. Vậy là, ông nội thì lo cho tính mạng của anh ấy mà phản đối chiến tranh, còn anh ấy cũng vì sợ tôi trèo cây bị ngã mà đánh đòn. Đúng là, con người ta một khi làm cái gì đó mà xuất phát từ lợi ích của người khác, thì sớm muộn họ cũng sẽ nhận được sự trân trọng và biết ơn. Tôi tin rằng, sau này anh Quân cũng sẽ hiểu và thông cảm với nỗi lòng của ông nội hôm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét