Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

IV- CHƯA TRỌN NIỀM VUI NGÀY HÒA BÌNH TRỞ LẠI



Đặng Huy Văn

1-Mẹ tôi, bác Bắc gái và Nữ Thần Mặt Trăng

Anh Quân vừa đi được vài hôm làm cả nhà đang buồn, thì bỗng một buổi tối bác trai tôi về. Vừa vào tới nhà chưa kịp treo mũ, bác tôi đã nói như reo:

- Mợ và các con ơi! Đã có lệnh ngừng bắn trong cả nước! Điện từ Trung ương vừa gửi về cho biết Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình cho Đông Dương đã được ký kết! Từ nay, hòa bình sẽ chính thức được lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam! Báo để ông bà và mẹ con mừng, còn tôi lại phải lên tỉnh ngay bây giờ đây. Đêm nay, tỉnh sẽ có một cuộc họp khẩn cấp để gấp rút chuẩn bị triển khai công tác trong tình hình mới.

Vừa nghe đến đó, tôi vội chạy sang nhà ông bà nội để thông báo cho ông bà biết. Ông bà nội mừng quá chống gậy sang nhà bác tôi thì bác trai đã đi rồi. Và điều ngoài dự đoán của tôi đã xẩy ra. Tôi cứ tưởng mọi người sẽ reo cười như bác trai tôi, nào ngờ cả nhà lại ôm nhau khóc. Bà nội tôi ôm lấy bác gái khóc. Ông nội tôi ôm chúng tôi khóc. Mẹ tôi từ bên kia nhà nghe mọi người khóc tưởng có chuyện gì đó đã xẩy ra với anh Quân hay ai đó, cũng dắt anh cả tôi chạy sang, vừa thở hổn hển vừa hỏi líu cả lưỡi:

- Chị Bắc! Có chuyện gì thế? Sao cả nhà lại khóc như thế làm mẹ con em hết cả hồn cả vía đây này?

Chưa kịp hiểu chuyện gì, mẹ tôi lại thấy cả ông bà nội đang ở đó và cũng khóc. Mẹ tôi càng hoảng hốt nói với ông nội như van:

- Cha ơi! Cha nói cho con biết đi! Chuyện gì đã xẩy ra, thưa cha?

Khi đó, ông nội tôi mới nói cho mẹ tôi nghe “Tin ngừng bắn và hòa bình được lập lại” mà bác trai tôi vừa mới mang về. Tôi tưởng mẹ tôi cũng sẽ khóc òa lên, nhưng không ngờ người lại lễ phép nói với ông bà nội tôi:

- Thưa cha mẹ! Cái tin này dù có khóc hết cả đêm cũng chưa thỏa nỗi mong chờ ngần ấy năm trời cha mẹ ạ! Bây giờ, có lẽ con và chị Bắc phải xin phép cha mẹ đi gặp chú Long bí thư chi bộ để triệu tập toàn bộ đảng viên và thông báo ngay tin này. Từ giờ phút này trở đi, có lẽ chúng con sẽ phải giành rất nhiều thời gian cho công tác của địa phương. Chúng con nhờ cha mẹ trông giùm các cháu, cha mẹ nhé!

Nói xong, mẹ tôi và bác Bắc gái mỗi người cầm một cái gậy đi ra sau xóm. Đêm tĩnh lặng. Trăng đầu tháng như cái lưỡi liềm lấp ló sau lũy tre trước ngõ. Trên vòm trời cao, muôn vàn vì sao lấp lánh nhảy nhót lung linh như thể đang reo vui cùng non sông đất nước.
Nhìn bầu trời đầy sao, tôi bỗng nhớ lại lời ông nội dạy thuở nào, “Mỗi vì sao trên bầu trời là linh hồn của mỗi một con người chúng ta đã và đang sống trên mặt đất này cháu ạ. Người đã khuất, thì ngôi sao linh hồn của họ nằm trên những giải ngân hà xa xôi. Những người đang sống, linh hồn họ là những vì sao lấp lánh nằm gần trái đất hơn. Người vĩ đại, thì ngôi sao linh hồn của họ tỏa sáng rực rỡ và luôn có những vầng hào quang bao quanh. Những người bình thường như chúng ta, các ngôi sao linh hồn vẫn lấp lánh, nhưng tùy mức độ có thể sáng nhiều, sáng ít khác nhau. Mặt trời là nơi tụ hội linh hồn của những người làm cha. Mặt trăng là nơi kết tinh linh hồn của những người làm mẹ...”

Chuyện trăng sao này, ông nội nói với chúng tôi đã lâu lắm rồi. Nhưng năm ngoái, có một chuyện xẩy ra với mẹ tôi làm tôi mới tin rằng, điều ông nội nói là hoàn toàn có căn cứ.

Số là lần đó mẹ tôi bị ốm rất nặng, không biết bệnh gì nhưng đã đến mức hai ngày liền mê man bất tỉnh. Ông nội tôi sợ quá không muốn để ở nhà điều trị như mọi lần nữa, mà đã phải đưa mẹ tôi đến bệnh viện huyện. Sau khi đã khám và tiêm thuốc cấp cứu, rồi chờ cả một ngày mà mẹ tôi vẫn không tỉnh lại, vị bác sĩ trưởng khoa khám và điều trị cho mẹ tôi nói, “Xin lỗi gia đình, chúng tôi không thể làm gì được nữa vì đã quá muộn. Nhịp tim chị ấy đang càng lúc càng yếu. Gia đình nên đưa chị ấy về nhà ngay kẻo không kịp!” Tôi hiểu “không kịp” có nghĩa là sợ mẹ tôi sẽ bị chết khi chưa kịp về tới nhà.

Cũng may, hôm ấy trăng mười sáu sáng ngời. Anh Hai con nhà bác tôi và một người làng nữa dùng võng cáng mẹ tôi đi trước. Tôi và anh cả xách các thứ lẻo đẻo theo sau, vừa đi vừa khóc. Khi đã về đến cái gò ở gần làng, tôi liền bảo anh cả tôi về trước với mẹ. Khi chỉ còn lại một mình, nhớ tới lời dạy của ông nội, tôi liền quì xuống chắp tay hướng về phía mặt trăng cầu nguyện. Tôi khấn, “Con kính lạy Nữ Thần Mặt Trăng, vị thần lưu giữ linh hồn của tất cả các bà mẹ trên trái đất này, hãy cứu giúp mẹ con! Ba con đi công tác thường xuyên xa nhà. Nay một mình mẹ con phải nuôi năm đứa con trai nhỏ khờ dại. Giờ đây, mẹ con đang bị ốm thập tử nhất sinh. Nếu Nữ Thần Mặt Trăng không cứu lấy mạng sống cho mẹ con, thì chúng con sẽ trở thành những đứa trẻ côi cút! Hỡi tất cả linh hồn của những người mẹ nhân hậu trên trái đất này! Xin Người đừng để chúng con phải mồ côi mẹ! Đừng để chúng con phải chết đói chết rét vì thiếu mẹ!”

Khi khấn những lời đó, tôi nhìn vào mặt trăng thấy những vết đen giữa mặt trăng nhòe nhoẹt như đang rơi nước mắt. Nhưng lạ lùng thay, một lát sau những vết nhòe đó biến mất và mặt trăng lại bừng sáng lên như đang cười với tôi. Trong khi đang ngây ngất trước vẻ đẹp hiền hòa nhân hậu của mặt trăng, thì tôi bỗng giật mình vì nghe có tiếng người và bước chân sau lưng. Ngoái cổ lại, tôi nhận ra anh cả tôi đang đi tới hớt hải gọi:

- Văn ơi, em về đi! Mẹ đã tỉnh lại rồi! Mẹ đang gọi tên em đấy!

Tôi về nhà thì thấy mẹ vẫn đang gọi tên tôi thật. Sau đó mẹ tôi đòi ăn cháo. Tôi dỗ mẹ ăn được nửa bát cháo, rồi mẹ bảo hãy ru cho mẹ ngủ. Sáng hôm sau, mẹ tôi ngủ dậy lại đòi ăn. Sáng đó mẹ tôi ăn hết bát cháo. Vài hôm sau mẹ tôi đòi ăn cơm và dần dần khỏe lại trước sự ngạc nhiên của mọi người. Câu chuyện khấn cầu Nữ Thần Mặt Trăng này tôi không hề nói cho ai hay, vì sợ mọi người bảo tôi “mê tín dị đoan”, nhưng đó là chuyện có thật. Sau này, tôi cũng đã khấn cầu Nữ Thần Mặt Trăng nhiều lần nữa và đều vượt qua được những lúc hiểm nguy.

Tôi còn nhớ cũng vào một đêm trăng sáng đầu năm học cuối cấp ba khoảng giữa tháng 9 năm1963. Dạo đó mẹ tôi bị ốm nặng cả tháng trời, mấy anh em tôi đứa nào cũng buổi đi học buổi đi làm và săn sóc mẹ. Vậy mà mẹ tôi đã nhất quyết cho tôi xuống thị xã trọ học để thi tốt nghiệp phổ thông cho tốt. Đêm đó trên đường xuống nhà trọ ở thị xã, vì thương mẹ quá nên vừa đi tôi vừa khóc, rồi tôi nhìn lên mặt trăng, nói chuyện với trăng. Tôi hứa với trăng sẽ học thật tốt để khỏi phụ tấm lòng của mẹ. Rồi mặt trăng nhìn tôi âu yếm như thì thầm. Lúc ấy tâm hồn tôi cứ lâng lâng, và tôi chợt thấy mình đang ngồi trong một phòng thi học sinh giỏi toàn tỉnh đang vừa làm bài say sưa vừa khóc. Thật bất ngờ là cuối năm học đó, từ một học sinh trung bình, tôi học tập tốt và được tham dự kì thi học sinh giỏi toán toàn tỉnh Hà Tĩnh và đạt giải nhất, rồi được tham dự kì thi học sinh giỏi toán toàn Miền Bắc. Đến kì thi tốt nghiệp phổ thông sau đó vài tháng, tôi lại đạt số điêm cao thứ nhì toàn tỉnh. Có lẽ, đó là một trong những điều bí ẩn kì diệu đã xẩy đến trong cuộc đời tôi, mà cả đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được vì sao.

Tối hôm đó, mãi ngồi ngắm sao trên trời đến lúc bác gái và mẹ tôi đi họp sau xóm về, tôi mới đi ngủ. Suốt đêm tôi ngủ rất say và đắm mình trong một giấc mơ kỳ lạ. Tôi mơ thấy, mình đang cùng anh cả bay lượn giữa các vì sao xa xôi rồi bị lạc vào một xứ sở diệu kỳ của các thiên thần tý hon. Tại xứ sở đó, mỗi một thiên thần nhỏ bé có một cô tiên dắt tay đi dạo. Vừa đi, họ vừa hát những khúc ca du dương mà tôi chưa từng bao giờ được nghe. Tôi và anh cả đang ngơ ngác chưa biết mình đang ở đâu, thì có hai cô tiên khác từ trong vườn hoa bước ra cầm lấy tay anh em tôi dắt đi dạo cùng các thiên thần tý hon khác. Chúng tôi không biết hát các khúc ca mà các thiên thần tý hon đang hát, nên một cô tiên nói với chúng tôi, “Các em có thể hát bất cứ bài hát nào mà các em biết! Đây là thiên đường của thế giới tuổi thần tiên, nên có thể nghe được bài hát của tất cả các dân tộc trên trái đất. Các em hát đi, đừng ngại. Các thiên thần tý hon khác đang chờ nghe bài hát của các em đó!” Nghe nói thế, anh tôi liền cất giọng khe khẽ hát, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên Việt Nam...”  Mới hát đến đó, một cô tiên bỗng reo lên:

-Trời ơi, các em là cháu ngoan Bác Hồ đến từ đất nước Việt Nam phải không? Cô nghe nói, bắt đầu từ ngày hôm nay, hòa bình đã được lập lại trên đất nước của các em mà. Gặp được các em nhân dịp này thật là may mắn! Các em có thể dạy cho các thiên thần tý hon của chúng ta ở đây một số bài hát Việt Nam được không?

Anh cả tôi nghe cô tiên nói vậy mừng lắm và vui vẻ nhận lời ngay. Anh tôi lần lượt dạy cho các thiên thần tý hon các bài hát thiếu nhi, rồi chuyển sang dạy các bài ca cách mạng như “Tiến về Hà Nội”, “Trường ca Sông Lô”, “Người Hà Nội”, “Làng tôi”...Những bài hát này không biết anh học ở đâu nhưng nghe lạ lắm. Cuối cùng, anh dạy tới các bài hát mà bốn anh thương bệnh binh đã dạy chúng tôi hát hôm nào. Những bài hát về Điện Biên Phủ cất lên làm trái tim tôi rạo rực. Nhưng, không hiểu sao đến bài “Hò kéo pháo”, anh tôi lại hát sai cả lời lẫn nhạc, làm tôi bực không chịu được liền hét lên, “Anh hát sai rồi!” thì choàng tỉnh dậy. Khi đó, tôi mới biết mình đang nằm mơ. Nhìn ra ngoài sân, thì mặt trời đã lên tới nửa ngọn tre và thấy anh cả tôi đang cùng các bạn tập hát để sắp tới sẽ biểu diễn văn nghệ ở trường cấp hai Đại Thành của anh ấy.

Sáng hôm đó tôi dậy muộn, nên mẹ tôi đã để sẵn cho một bát khoai khô xéo đỗ trong bếp. Anh cả nói, mẹ dặn tôi ăn xong ra đồng chăn trâu để anh hai về nhà nấu cơm cho mẹ. Mẹ đã cùng bác Bắc gái lên xã họp từ sáng, có lẽ quá trưa mới về.

Không hiểu sao, từ mấy năm nay mẹ tôi và bác Bắc gái họp hành công tác ở đâu cũng luôn luôn đi cùng với nhau như hình với bóng. Bác Bắc gái sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, được cha mẹ săn sóc và chiều chuộng từ tấm bé. Khi về làm dâu nhà ông bà nội, bác ấy lại là dâu trưởng nên càng được ông bà nội tôi ưu ái nhiều hơn. Ngược với hoàn cảnh của bác gái, mẹ tôi xuất thân là một cô gái đã mồ côi mẹ từ nhỏ. Cha lấy vợ kế, nên người lại phải chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng từ tuổi lên sáu. Khi mẹ tôi mới lên mười, thì ông ngoại tôi cũng qua đời và từ đó, mẹ tôi trở nên mồ côi cả cha lẫ mẹ, phải sống nhờ vào bà ngoại của người. Mẹ tôi được bà ngoại của mình nuôi lớn, rồi dần dà đã trở thành một người giúp việc theo bà đi hết trong Nam ngoài Bắc. Chắc cũng nhờ thế mà việc gì mẹ tôi cũng thạo, đặc biệt là làm bếp rất giỏi. Không hiểu duyên trời định thế nào, mà ngày ba tôi vừa ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, một bà dì của người đã mời đến nhà ăn cơm thì tình cờ gặp mẹ tôi đang giúp làm bếp ở đó. Một người yêu nước vừa mới ra tù, đã tình cờ gặp một người con gái bị mồ côi cha mẹ từ tấm bé! Và rồi, họ đã mở lòng sẻ chia thân phận với nhau từ đó.

Do mẹ tôi và bác Bắc gái có hoàn cảnh xuất thân khác nhau như thế, nên khi về làm dâu nhà ông bà nội tôi, hai người không thể thông cảm và thân thiết với nhau là chuyện bình thường. Nhưng có điều lạ là, từ ngày vào đảng năm 1946, hai người đã trở nên gắn bó với nhau, đặc biệt là trong các công tác đoàn thể ở địa phương. Từ họp hành đến việc tham gia các công tác đảng, công tác phụ nữ, hai bà đều luôn luôn sát cánh cùng nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Thấy hai chị em dâu cứ ngày càng quấn quýt bên nhau như thế, có lần ông nội tôi đã cười bảo với mẹ tôi và bác Bắc gái, “Cha thật sự bái phục các đoàn thể cách mạng! Chúng như thể có một phép mầu kỳ diệu, có thể biến những người không hợp nhau trở thành những người bạn tri kỷ của nhau, có phải thế không các con?” Mẹ tôi hiểu rằng, đó là một lời động viên vô giá của ông nội. Nhưng để làm được điều đó, người đã phải nỗ lực vượt bậc. Mẹ tôi kể, có nhiều lúc phải nhẫn nhục chịu đựng và phải nhận những phần thiệt thòi về mình, thì mọi việc mới êm đẹp được. Nhưng với một phụ nữ xuất thân mồ côi từ tấm bé như mẹ tôi, thì cái mẹ tôi cần lớn nhất là tình cảm, chứ không phải là những thứ khác.

2-“Đóa hoa vô thường” và điềm báo hai sự kiện lịch sử

Sáng hôm đó ra đồng chăn trâu thay cho anh hai, tôi thấy mọi người đang kháo nhau, “Chuyện hòa bình lập lại này đã được một cây dứa gai cổ thụ trên Rú Thành báo trước từ cách đây hơn nửa tháng rồi!” Một cụ già râu tóc bạc phơ đang say sưa kể lại:

- Mùa Hạ năm 1945, nó cũng đã trổ hoa một lần. Năm đó, Cách mạng Tháng Tám thành công và chúng ta đã giành được độc lập. Hè năm nay, sau chín năm, nó lại trổ hoa lần nữa! Rõ ràng đó là “điềm báo” cho một sự kiện trọng đại sắp xẩy ra. Hôm lên xem hoa nở trên Rú Thành, tôi đã nói thế nhưng mọi người còn diễu tôi là, “Ông già cứ ngồi đó mà chờ sự kiện trọng đại của ông, còn chúng tôi phải về đi cày để kiếm cái ăn cho vợ con đây!” Mọi người thấy tôi nghèo lại hay suy đoán này nọ, nên đã chế nhạo tôi. Nhưng bây giờ, các người đã thấy đúng thế chưa nào?

Đúng là việc cây dứa gai cổ thụ trên Rú Thành nở hoa thì cả huyện, cả tỉnh đều biết. Vì nó thật lạ! Giống dứa gai này có màu trắng bạc, lá vừa dày vừa to, mọc khắp nơi. Người ta trồng nó để làm bờ rào, vì hai rìa lá đều có hai hàng gai sắc và đặc biệt chót lá của nó vuốt lại thành một cái gai vừa to vừa nhọn như mũi kiếm. Các cụ già nói, chưa ở đâu thấy giống dứa gai này nở hoa, dù là đã trồng rất lâu năm. Hoa của cây dứa gai cổ thụ trên Rú Thành mọc từ ngọn, cuống hoa thẳng lên một độ cao chừng hơn hai người đứng, rồi nở ra một đóa hoa đỏ rực to hơn ba bốn lần cái bắp chuối tiêu chổng ngược lên trời. Thấy lạ quá, người tứ xứ lũ lượt kéo tới xem ngày này qua ngày khác. Có lần máy bay địch đã lượn qua làm cho mọi người được một phen hú vía. Cuối cùng, để bảo đảm tính mạng cho nhân dân, huyện đã ra lệnh chặt hạ “đóa hoa vô thường” đó.

Rú Thành cách nhà tôi chỉ hai cây số, nhưng vì sợ máy bay địch nên mẹ tôi cấm chúng tôi không được đi xem đóa hoa kỳ lạ đó. Chúng tôi liền tìm cách thả trâu gần đó, rồi thay nhau lên tận nơi xem. Chẳng may về nhà, ông nội tôi biết được nên đã nện cho mấy anh em mỗi đứa một trận đòn nên thân. Không hiểu vì sao từ ngày đó, dù cây dứa gai cổ thụ này vẫn xanh tốt nhưng không thấy ra hoa lần nào nữa. Tuy vậy, tôi vẫn không tin có một điều gì đó bí ẩn ở đây liên quan đến vận mệnh của non sông đất nước như ông già ấy đã nói.

3- Ông giáo Khang chất vấn về Hiệp Định Giơ- ne-vơ 

Một tuần sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, huyện cử ông Bình, một cán bộ tuyên huấn của huyện ủy, về xã tôi để long trọng thông báo các nội dung chính của Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương. Nội dung ngắn gọn là, Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ đã được ký kết và cả hai phía ta và Pháp phải thực hiện ngừng bắn triệt để. Lãnh thổ Việt Nam sẽ được chia cắt làm hai miền, lấy sông Bến Hải tại vĩ tuyến Mười Bảy làm ranh giới phân chia tạm thời. Trong vòng sáu tháng đến một năm, quân Pháp và người Việt làm việc cho Pháp sẽ di chuyển vào các tỉnh phía nam vĩ tuyến Mười Bảy. Chúng ta sẽ rút quân đội và những người của chúng ta tập kết ra phía bắc sông Bến Hải, giao lại toàn bộ lãnh thổ Miền Nam cho giặc lập chính quyền ngụy. Sau hai năm, quân đội Pháp sẽ hoàn toàn rút khỏi Miền Nam và hai miền Bắc, Nam sẽ tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử để thực hiện hòa bình thống nhất tổ quốc.

Sau khi trình bày xong nội dung cơ bản của Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ, ông Bình còn tranh thủ nói thêm về tình hình thời sự quốc tế, về tương quan lực lượng giữa hai phe sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời và cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Trên cơ sở đó, ông đã nhấn mạnh thêm:

- Việc ký kết hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ là một thắng lợi tất yếu của lịch sử. Nó cho thấy sự lớn mạnh về ngoại giao của đảng ta và uy tín quốc tế to lớn của Hồ Chủ Tịch. Vì kính trọng Người mà Mao Chủ Tịch đã đích thân chỉ thị cho Thủ Tướng Chu Ân Lai phải bằng mọi giá, giúp chúng ta ký kết thành công hiệp định đình chiến này. Bởi vậy có thể khẳng định, hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ là một thắng lợi ngoại giao to lớn của đảng ta. Một tấm gương chói sáng về tình cảm quốc tế vô sản giữa đảng ta và đảng cộng sản Trung Quốc anh em. Một biểu tượng hùng hồn về tình bạn vĩ đại giữa Bác Hồ và Bác Mao kính mến của hai dân tộc chúng ta!

Bài nói chuyện của ông Bình đã kết thúc, mà cả hội trường vẫn lặng phắc như đang tiếp tục chờ đợi lắng nghe. Người ta nói, ông ấy là một nhà hùng biện của huyện nhà, quả không sai. Thấy bác Bắc gái nói chuyện lại, ông ấy đã tốt nghiệp cấp hai bổ túc công nông, là một trong những người có trình độ học vấn cao nhất văn phòng huyện ủy, nên đi nói chuyện ở đâu cũng được nhân dân chào đón hoan hô nhiệt liệt. Ông Khánh chủ tịch xã tôi, do quan hệ thân tình nên mới mời được ông ta về xã tôi nói chuyện chứ chẳng phải dễ. Trước khi kết thúc buổi nói chuyện, như để cho bà con thấy sự tự tin vào trình độ của mình, ông Bình còn quay xuống mọi người đang chăm chú ngước lên ngưỡng mộ nhìn ông, ân cần hỏi:

- Bà con ta đã quán triệt được tinh thần của hiệp định rồi phải không?(Mọi người đồng thanh hô: “Rồi ạ!”) Vậy bây giờ, có ai thắc mắc điều gì nữa cứ thoải mái phát biểu, chế độ ta là dân chủ mà! Tôi sẽ xin trả lời bà con cho đến khi mọi người thật sự thông suốt mới thôi!

Thấy ông Bình nói thế, những tràng vỗ tay kéo dài không ngớt nổi lên. Trước sự hưởng ứng nhiệt thành của bà con toàn xã, ông giáo Khang, một thầy giáo ngoài năm mươi tuổi, đã rụt rè đứng lên xin phép phát biểu:

- Kính thưa đồng chí cán bộ tuyên huấn huyện ủy! Kính thưa ông Khánh chủ tịch xã! Kính thưa toàn thể bà con về dự cuộc họp hôm nay! Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cho rằng thằng Pháp đang hoảng hốt mất tinh thần, chúng ta chỉ cần dấn lên vài trận đánh nữa là nó thất bại hoàn toàn. Vậy thì tôi không hiểu tại sao, chúng ta lại đi chấp nhận ngừng bắn với nó vào lúc này? Đang trên đà chiến thắng, tại sao ta lại đi chấp nhận ngừng bắn với kẻ vừa thua trận? Hành động này rõ ràng là làm lợi cho giặc, làm hại cho ta, có phải thế không các vị? Chín năm kháng chiến gian khổ, con em chúng ta đã đổ biết bao máu xương mới giành được thành quả hôm nay. Chính quyền cách mạng của ta đã thành lập được tại hầu hết các tỉnh thành Miền Nam, vào tận cả mũi Cà Mâu, Rạch Giá, Hà Tiên...Vậy mà bây giờ chúng ta rút ra Miền Bắc, giao lại các tỉnh thành Miền Nam cho giặc, thì số phận hàng triệu đồng bào ta trong đó sẽ thế nào? Trèo cau đã lên đến buồng rồi mà không hái, lại tự duỗi chân tụt xuống thì có phải là chúng ta đã bỏ lỡ mất một cơ hội ngàn vàng rồi không? Các vị tưởng khi giặc đã chiếm trọn Miền Nam, đã có quân đội và chính quyền tới tận các tỉnh thành huyện xã, rồi hai năm nữa họ sẽ ra mời chúng ta vào để bàn giao Miền Nam lại cho ta sao? Hay là vì khát vọng thống nhất đất nước, chúng ta sẽ vào Miền Nam mời ngụy quyền Sài Gòn ra Hà Nội để bàn giao lại Miền Bắc cho chúng? Theo các vị, liệu có thể thống nhất tổ quốc theo kiểu “mời nhau” như thế được không, hay lại sẽ phải gánh chịu một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn như thời Trịnh Nguyễn phân tranh nữa mới xong? Đồng chí cán bộ tuyên huấn huyện ủy có thể trả lời cho bà con chúng tôi rõ những vấn đề trên được không?

Ông Bình đã từng đi nói chuyện về hiệp định Giơ-ne-vơ ở nhiều nơi, và ở đâu ông cũng được mọi người vỗ tay tán thưởng. Vậy tại sao ở cái xã bán sơn địa này, lại có người dám đặt ra các câu hỏi nằm ngoài khả năng uyên bác của ông như thế? Tay này là trí thức, hay là một gã khùng vậy? Nếu là trí thức, thì người ta phải biết khiêm tốn, phải khôn ngoan thức thời, phải luôn biết gió chiều nào che chiều đó chứ! Các thầy giáo dạy ông ở trường bổ túc công nông chẳng phải trí thức là gì. Họ luôn luôn biết lắng nghe ý kiến của lãnh đạo, luôn biết cách chiều ý cấp trên. Trong các cuộc họp, họ luôn lựa lời phát biểu đúng theo chủ trương của lãnh đạo, chứ không bao giờ dám đề cập đến những điều lãnh đạo chưa nghĩ tới. Những trí thức như thế, mới có thể đem lại cái lợi cho nhân dân và có ích cho tổ quốc, mới xứng đáng là trí thức chân chính của thời đại chúng ta chứ! Bác Hồ đã từng dạy, “Trí thức mà không có ích cho xã hội thì không quí bằng một cục phân”. Gã khùng này dám nói trái với đường lối của đảng, dám làm bẽ mặt cấp trên. Đúng là lão ta không đáng giá bằng một cục phân, quên lão đi! Rồi đây, nếu cần biết thế nào là lễ độ, ta sẽ cho lão biết! Nghĩ thế rồi, ông Bình nhìn xuống hội trường lúc này đang xôn xao bàn ra tán vào, khẽ khàng xoa dịu:

- Phát biểu của ông Khang thật sâu sắc, nhưng trách nhiệm của tôi hôm nay là phổ biến nội dung của hiệp định đình chiến, chứ không được phép trả lời những vấn đề mà ông Khang vừa đặt ra. Chúng tôi hứa sẽ phản ảnh vấn đề này lên cấp trên để bà con sẽ được đả thông tư tưởng ở một cuộc họp khác. Chúng ta phải biết rằng, đảng ta là một đảng cầm quyền lấy dân làm gốc, luôn chủ trương mọi đường lối chính sách của đảng phải được nhân dân thông suốt để thực hiện. Tôi mong bà con phát huy quyền dân chủ của mình nhiều hơn nữa, để xây dựng đảng ta ngày càng vững mạnh!

Ông Khang là một thầy giáo lâu năm, người gốc thị xã tản cư lên sống tại xã tôi từ những ngày đầu kháng chiến. Hồi Pháp thuộc, ông đỗ bằng tú tài toàn phần tại Quốc học Huế, rồi ra dạy ở trường quốc học Pháp-Việt tại Vinh. Năm 1936, hưởng ứng lời kêu gọi của đảng bộ Nghệ An, ông mở hiệu sách Trí Đức để tham gia hoạt động chống Pháp công khai trong Phong trào Bình dân. Năm 1939, ông đã bị bọn Pháp bắt đi đày tại nhà tù Sơn La. Đến năm 1943 được ra tù, ông trở về tham gia Mặt trận Việt Minh tại tỉnh nhà và dạy học tư tại thị xã. Sau cách mạng Tháng Tám, ông về làm thầy giáo dạy sử địa tại trường cấp hai Đại Thành. Ông có hai người con trai đều là liệt sĩ chống Pháp. Con trai lớn của ông hy sinh tại chiến dịch Biên Giới, năm 1950. Anh Bất, con trai út của ông, năm 1952 đang học năm cuối tại trường cấp hai Đại Thành lại nhập ngũ và mới hy sinh năm ngoái tại chiến trường Thừa Thiên-Huế, khi chưa đầy mười chín tuổi. Vợ ông vì thương nhớ anh Bất quá mà đổ bệnh và đã qua đời đầu năm nay. Giờ đây, ông đang sống với bà mẹ già ngoài bảy mươi ở cuối xã. Ông Khang là “cuốn từ điển bách khoa toàn thư sống” của cả xã tôi, lại là người nóng tính, nên ít khi có người dám cãi lại ông. Sau khi nghe ông phát biểu, người thì đồng tình người lại phản đối, nên không khí cuộc họp trở nên căng thẳng và càng lúc càng ồn ào. Ông Khánh chủ tịch xã thấy không thể nào giữ được trật tự nữa, nên tuyên bố giải tán cuộc họp.

Theo chân mẹ đi họp về, tôi cứ băn khoăn không hiểu tại sao lại có người phản đối hiệp định hòa bình vừa được ký kết. Sống trong hòa bình, không có người phải chết oan chết uổng ngoài chiến trường chẳng thích sao? Tôi còn nhớ anh Bất con ông Khang, ngày trước hay lên chơi với anh Quân con bác Bắc. Anh ấy hiền lành, học giỏi lại vui tính. Còn nhớ có lần, bác Bắc gái nhìn anh Bất đánh đàn hay quá rồi xuýt xoa:

- Người đâu mà đẹp như thiên thần trong chuyện cổ tích vậy! Ước gì nhà mình có được một chàng rể như thế! - Nhà bác tôi có hai chị gái vừa đến tuổi “tới tuần cập kê” mà.

Nhưng vào cái năm anh Bất đang học dở lớp bảy cuối cấp hai hồi đó, ông Khang lại đồng ý cho anh nhập ngũ bất chấp cả sự phản đối quyết liệt của bà Khang. Ông ấy nói:

- Cho nó đi bộ đội để nó rèn luyện thành người có ích cho xã hội!

Ngày chia tay, bà Khang đã ôm lấy anh ấy van xin anh ở lại:

- Anh con đã hy sinh rồi, địa phương có ai bắt con phải đi nữa đâu. Con hãy ở nhà với mẹ, con ơi!

Anh Bất cũng không cầm được nước mắt, ôm hôn từ biệt mẹ và nói:

- Mẹ ơi! Mẹ cho con đi chiến đấu để trả thù cho anh trai con, mẹ ạ!

Và ngày nhận được tin anh ấy hy sinh, không phải chỉ có bà Khang khóc mà tất cả các bà mẹ ở xã tôi đều khóc. Chúng tôi cũng khóc, vì không bao giờ được nghe anh ấy chơi đàn nữa. Chiến tranh là tàn khốc như vậy, ai lại cần chiến tranh để làm gì chứ? Sau khi nhận được tin anh Bất hy sinh mấy hôm, mẹ tôi dẫn tôi tới thăm bà Khang thì thấy bà ấy đã không còn đi lại được nữa. Hai tháng sau, bà ấy đã qua đời trước sự xót thương của tất cả bà con trong toàn xã chúng tôi.

4-Ông nội tôi và hai người hàng binh Nhật Bản

Còn nhớ ngày bé, cũng có một chuyện đã mãi mãi đi vào ký ức tuổi thơ của tôi về sự mất mát của chiến tranh. Đó là hình ảnh của hai hàng binh người Nhật. Một người tên là Mi-ô-sa-oa và một người nữa tên là Fu-kư-đa. Cả hai người lính Nhật này đều cùng quê hương Hi-rô-shi-ma, nơi bị quả bom nguyên tử của Mỹ chôn vùi trong đống đổ nát vào cái tháng Tám 1945 hãi hùng ấy. Họ đã mất tất cả! Chú Mi-ô-sa-oa mất vợ và hai đứa con nhỏ, còn chú Fu-kư-đa mất tất cả cha mẹ và năm anh chị em ruột. Chú Fu-kư-đa chưa có vợ con vì ngày nhập ngũ đang là sinh viên đại học. Sau khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh tháng Tám 1945, hai chú đã ra hàng Việt Minh và xin ở lại Việt Nam. Thời gian đầu, hai chú ấy ở thị xã. Nhưng sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, huyện gửi hai chú ấy lên xã tôi giúp huấn luyện dân quân tự vệ và bộ đội địa phương. Hai chú ấy đã ở tại nhà ông bà nội tôi đến cuối năm 1949 thì tỉnh đưa hai chú ấy đi đâu không rõ nữa. Dạo đó, tôi đang ở tuổi lên năm, lại bụ bẫm trắng trẻo như một đứa trẻ Nhật Bản, nên hai chú ấy rất yêu chiều tôi. Chú Fu-kư-đa hay dắt tôi đi dạo loanh quanh trong vườn và tìm mọi cách không cho tôi lại gần chú Mi-ô-sa-oa vì hễ thấy tôi là chú ấy lại ôm chặt tôi vào lòng rồi khóc gào thảm thiết:

- Con trai của cha ơi! Con trai của cha ơi! Đừng bỏ cha con nhé!

Rồi có lần cứ ôm chặt tôi vào lòng như thế, chú ta nằm vật vã trên sân và tuôn ra hàng tràng thứ tiếng Nhật kỳ quặc làm cho cả nhà ông bà nội tôi bị một phen hoảng hồn. Đến bây giờ đã hơn sáu mươi năm trôi qua rồi mà những tràng tiếng Nhật chói tai ấy thỉnh thoảng hình như vẫn còn ong ong trong đầu tôi. Lúc đầu thấy Mi-ô-sa-oa đối xử với tôi như thế, ông bà nội tôi sợ lắm. Nhưng dần dà, ông bà nội thấy thương nên cho chú ấy bế tôi đi chơi khắp nơi và không thấy chú ấy gào khóc như ban đầu nữa. Đi huấn luyện dân quân tự vệ thì chớ, hễ về đến nhà là chú ấy tìm tôi cho bằng được. Lúc thì chú ấy cho tôi ngồi trên cổ đi dạo, lúc thì chú ấy bò dưới sân cho tôi ngồi trên lưng chơi trò phi ngựa. Một lần, chú ấy phi nhanh quá làm tôi suýt ngã, tôi phải lấy tay ôm chặt vào cổ và mặt chú ấy thì hai bàn tay tôi ướt đẫm nước mắt. Hóa ra, những lúc tôi reo cười trên lưng thì chú ấy vừa bò vừa khóc để tôi không nhìn thấy nước mắt. Sau lần đó, tôi nói:

- Nếu chú cứ hay khóc nhè như thế, cháu sẽ không chơi với chú nữa!

Hình như sau này, chú ấy thường khóc một mình về đêm, sau khi tôi đã đi ngủ. Vào một ngày đầu thu năm 1949, ông nội tôi chủ động mời cả hai chú Mi-ô-sa-oa và Fu-kư-đa lên chùa Tịnh Tâm vãn cảnh và cầu nguyện. Khi lên tới chùa, tôi ngạc nhiên thấy hai chú ấy cũng thắp hương khấn vái giống y hệt ông tôi. Hôm đó, ông nội tôi đã mua rất nhiều hình nộm người, cả người lớn và trẻ con cùng rất nhiều quần áo bằng giấy đủ loại. Ông nội tôi đã đặt tất cả lên các ban thờ và mở lời nhờ các nhà sư và các tiểu trong chùa:

- Bạch thầy, hai hàng binh Nhật này tên là Mi-ô-sa-oa và Fu-kư-đa. Cha mẹ, vợ con và anh chị em ruột của họ đã bị chết oan uổng trong thảm họa bom nguyên tử tại Hi-rô-shi-ma Nhật Bản, cách đây tròn bốn năm. Hôm nay nhân ngày giỗ lần thứ tư của họ, kính mong thầy hóa giải cho oan hồn của thân nhân hai người Nhật này được giải thoát, nước Nhật của hai ông ông ấy được mãi mãi sống trong hòa bình và nhân loại chúng con đời đời thoát khỏi hiểm họa bom nguyên tử!

Ông nội tôi vừa dứt lời, thì cả hai chú ấy đã quỳ rạp xuống đất sát chân sư thầy và nói một tràng tiếng Nhật. Không biết nhà sư có hiểu gì không, nhưng thấy sư thầy cứ luôn mồm, “Mô phật! Mô phật!” như là người đã thấu hiểu tất cả.

Rồi nhiều hồi chuông liên tục được gióng lên. Hai chú Mi-ô-sa-oa và Fu-kư-đa quỳ ngay sau lưng sư thầy. Sư thầy ngồi đối diện với chính điện, vừa gõ mõ vừa tụng kinh cầu nguyện. Nhiều sư, nhiều tiểu và hàng chục vãi quì trước sân chùa tụng kinh. Ông nội tôi và tôi cũng quỳ cùng các vãi ở phía sau. Buổi lễ kéo dài suốt buổi chiều đến xẩm tối mới xong. Sau khi kết thúc buổi lễ, lại nhiều hồi chuông nữa được gióng lên rồi ông nội tôi cùng hai chú Mi-ô-sa-oa và Fu-kư-đa mang các đồ vàng mã ra đốt. Chú Mi-ô-sa-oa vừa đốt các hình nhân người vừa khóc, còn chú Fu-kư-đa thì đọc những lời gì đó bằng tiếng Nhật trông rất thành tâm, có lẽ tương tự lời cầu nguyện của người Việt chúng ta.

Sau này, ông nội mới nói cho tôi hay rằng, đó là một buổi lễ cầu siêu để giải thoát cho linh hồn của thân nhân hai chú Mi-ô-sa-oa và Fu-kư-đa. Để thực hiện buổi lễ này được chu đáo, ông nội tôi và nhà chùa đã phải chuẩn bị mất hơn một tháng. Sau lần đó về, chú Mi-ô-sa-oa đã quỳ trước mặt ông bà nội tôi xin được nhận tôi làm con và không hiểu sao, từ đó trở đi tôi không thấy chú ấy khóc nữa. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ trong phần đời còn lại của mình, chú ấy đã phải đớn đau, dằn vặt vì những tội ác tày trời do chú và quân đội Nhật đã gây ra cho các dân tộc khác, cùng cái chết oan nghiệt của vợ và hai đứa con nhỏ của chú ấy do thảm họa bom nguyên tử đã gây ra tại quê hương mình.

Chiến tranh tàn khốc là vậy, mà không hiểu tại sao lại có nhiều người lớn vẫn cứ thích chiến tranh? Câu hỏi đó, có lẽ đã và đang day dứt, trăn trở trong đầu tôi suốt cả cuộc đời này.

Đối với lũ trẻ con chúng tôi, được sống trong hòa bình mới là niềm khát khao cháy bỏng. Ngừng chiến tranh, hết bom đạn, chúng tôi sẽ được tung tăng đến trường mà không cần phải đội lá ngụy trang. Chúng tôi sẽ được tụ tập vui chơi ngoài cánh đồng suốt ngày như thả diều, đá bóng, chọi trâu... Chúng tôi sẽ được rước đuốc suốt đêm vào những ngày hội lớn. Chúng tôi sẽ được cắm trại suốt ngày với những căn lều sặc sỡ vào dịp tết trung thu. Chúng tôi sẽ đựơc chơi trò bịt mắt bắt dê giữa ban ngày ngoài bãi tha ma của làng mà không sợ bom đạn giặc. Chúng tôi sẽ được ngồi trên lưng những con trâu xếp thành hàng ngang chạy thi trên đồng cỏ, xem trâu ai về nhanh hơn... mà không sợ bị máy bay địch rượt đuổi nữa. Và có lẽ, điều làm chúng tôi hạnh phúc nhất là, nếu được sống trong hòa bình, thì những người thân của chúng tôi cũng như những người thân của các chú Mi-ô-sa-oa và Fu-kư-đa sẽ không bao giờ phải chết oan chết uổng vì chiến tranh như thế!

5- Phiên Chợ Tỉnh đầu tiên sau 9 năm Kháng Chiến

Nhưng, hòa bình được lập lại cũng còn có một lý do làm tôi vui mừng nữa. Đó là cái tin Chợ Tỉnh sẽ được họp trở lại ở thị xã. Nhà tôi cách thị xã Hà Tĩnh chỉ sáu cây số thôi, vậy mà năm nay đã ở tuổi lên mười, tôi vẫn chưa một lần được bước chân tới đó. Bao nhiêu lần về quê ngoại, đi dọc theo quốc lộ số Một, tôi chỉ được mẹ hoặc anh cả chỉ về phía bên tay phải nói, “Kia là thị xã!” Câu nói đó bao nhiêu năm nay đã ám ảnh ký ức tuổi thơ của tôi. Tôi linh cảm, có lẽ thị xã là một nơi còn lưu giữ nhiều điều bí ẩn. Ý nghĩ đó đã thôi thúc tôi càng tò mò muốn biết. Và cái ngày khám phá bí ẩn ấy đã tới.

Hôm đó, mẹ bảo tôi đi cùng mẹ xuống Chợ Tỉnh để bán ít gạo, lấy tiền mua sách vở, quần áo cho chúng tôi chuẩn bị bước vào kỳ học mới. Mẹ gọi tôi dậy rất sớm, ăn khoai lót dạ rồi hai mẹ con ra khỏi nhà khi trời còn tờ mờ sáng. Ôi, cái buổi sáng tinh mơ cuối hạ chớm thu mát mẻ đã gợi lên trong trí tưởng tượng của tôi một thị xã với những dãy nhà cổ thân thương cao tầng lợp ngói sẫm màu xây nối tiếp nhau. Những đường phố rộng thênh thang chạy qua những chiếc cầu xây cong cong bắc ngang con sông Cụt. Rồi nào là quảng trường trung tâm, sân vận động tỉnh, nhà giây thép, dinh tổng đốc, trường quốc học, nhà thờ lớn, chợ Tỉnh,...những nơi cha tôi đã từng kể cho tôi nghe, đang hiện dần lên đầy háo hức trong từng nhịp đập con tim.

Dọc theo con đường Kẻ Gỗ, mẹ tôi gánh gạo đi trước, tôi lẽo đẽo bước theo sau. Đến sông Nủi, chúng tôi phải đi đò vì cái cầu bằng bê tông bọn Pháp bắc ngày trước đã bị ta giật sập để tiêu thổ kháng chiến. Qua đò sông Nủi mới biết, người đi chợ Tỉnh đông đến như thế nào. Chúng tôi phải chờ tới chuyến đò thứ sáu mới qua được sông. Trên đường về chợ, người người đi như trẩy hội. Các ông, các bà thì quẩy gạo, khoai, sắn. Người trẻ thì gánh củi, gánh chè tươi...Trẻ con thì mặc quần áo đẹp, chạy lon ton theo sau cha mẹ. Các chị thôn nữ mặc quần áo đủ màu sắc, vừa đi vừa trò chuyện nói cười rôm rả. Các anh con trai cũng đi thành một đoàn theo sau, vừa đi vừa khoe khoang hết thứ này đến thứ khác.

Qua đoạn đường quốc lộ số Một vài trăm mét, là đến đường rẽ vào thị xã. Đây rồi! Cái thị xã trong mơ của tôi đang dần dần hiện ra trước mắt, trong nỗi thất vọng lớn lao! Không thấy nhà! Không thấy phố! Không thấy cầu! Giờ đây trơ lại, chỉ là những dãy tường gạch lởm chởm, đổ nát, nằm cạnh những đường phố hoang phế, cây dại cao quá đầu người. Qua cái cầu tre sơ sài bắc ngang sông Cụt, là một bãi đất phẳng rộng chừng vài hec-ta đông nghịt người. Mẹ tôi nói, “Chợ Tỉnh đây rồi con ạ!” Mẹ tôi vừa đặt gánh gạo xuống bãi đất trống, vừa thở vừa lau mồ hôi. Rồi không hiểu sao, nước mắt mẹ tôi cứ trào ra:

- Gần chín năm trời, hôm nay Chợ Tỉnh mới được họp lại phiên đầu tiên đấy, con ạ! Thật như một giấc mơ! Mới cách đây mấy ngày, đi đâu cũng còn sợ máy bay địch. Chợ quê cũng phải họp vào lúc sáng sớm, hoặc họp ban đêm. Vậy mà hôm nay, có tới cả vạn người họp chợ giữa ban ngày! Con thấy, có niềm vui sướng nào sánh được không?

Trái với niềm vui trào dâng trong lòng mẹ, lòng tôi chất chứa một niềm thất vọng lớn lao. Cái giấc mơ khám phá những bí ẩn của thị xã, nơi ông nội tôi, bác tôi, cha tôi suốt tuổi học trò từng đi học ở đây đã tan biến. Đâu rồi, cái quảng trường có cột đèn điện sáng trưng, nơi cha tôi cùng các bạn của người ngồi học bài và đọc sách tới tận nửa đêm? Đâu rồi, cái cầu cong cong bắc qua sông Cụt, nơi ông nội lần đầu tiên gặp bà nội tôi, một tiểu thư con quan ngoài xứ Nghệ vào đây thăm thú? Đâu rồi, cái cổng vòm của sân vân động thị xã, cái mà bác Bắc của tôi hồi trước đã từng tham gia thiết kế? Biết được những thất vọng trong lòng tôi, mẹ tôi nói:

- Thị xã đã như thế này kể từ ngày “tiêu thổ kháng chiến”, có lẽ mẹ đã quên chưa nói với con. Chín năm trôi qua rồi mà cứ tưởng là mới hôm qua! Ngày xưa, thị xã mình tuy nhỏ nhưng đẹp lắm. Chợ Tỉnh trước kia vẫn họp ở đây, nhưng trong những dãy nhà cao sạch sẽ và nhiều hàng hóa lắm con ạ! 

Mẹ tôi ngẩn ngơ nhìn bao quát cả toàn khu chợ, như đang nhớ lại những kỷ niệm thời còn trẻ, khi người có một gánh hàng vải ngày nào cũng xuống chợ buôn bán, để lấy tiền cho cha tôi mang đi hoạt động cách mạng. Hồi đó tôi chưa ra đời. Mẹ tôi mới chỉ có anh cả và anh hai, đem gửi nhờ ông bà nội nuôi hộ. Còn cha tôi dạo đó, chủ yếu hoạt động ở Sài Gòn và Phơ-nông-pênh rất ít khi về, nhưng mỗi lần về là phải lấy rất nhiều tiền của mẹ tôi mang đi. Mẹ tôi nói, “Hồi đó kiếm được đồng tiền vất vả lắm. Nhưng khi nghĩ đến những đồng tiền mà mình làm ra, đang được cha các con đóng góp cho một sự nghiệp cao cả, là mẹ đã quên hết mọi nhọc nhằn, con ạ!”

Cái phiên chợ Tỉnh hôm ấy, mới thật là, chỉ có “trăm người bán” mà phải có tới “vạn người mua” theo đúng nghĩa đen của nó. Người ra chợ đông chưa từng bao giờ tôi được thấy như thế! Có lẽ, người ta ra chợ đi chơi, đi xem là chính, vì hàng hóa rất ít. Chỉ có một dãy hàng nông sản như gạo ngô khoai sắn, một dãy hàng thực phẩm gia cầm như gà vịt, thịt lợn, thịt bò và thịt trâu. Sát mép bờ sông Cụt, có một dãy hàng cá biển tươi, tanh ngòm một góc chợ. Chính giữa nền gạch còn sót lại của chợ cũ, có lèo tèo mấy cái lều bạt dựng tạm bán hàng vải, hàng xén và quần áo trẻ con. Hai thúng gạo của mẹ tôi được một người buôn gạo mua sĩ trả tiền ngay khi vừa vào tới chợ. Tôi nhớ láng máng, hình như được hai hào một cân thì phải. Sau khi có tiền, mẹ dắt tôi tới hàng quần áo để mua mấy bộ quần áo mới cho tất cả năm anh em, rồi sang hàng xén mua giấy bút cho năm học mới của chúng tôi. Hai mẹ con tôi đang lôi thôi quẩy mấy thứ vừa mua được đi qua mấy lều hàng vải, thì bỗng có tiếng gọi rất quen:

- Mẹ Trung! Hai mẹ con xuống chợ bao giờ?

Mẹ tôi quay lại nhận ra bà Xuân, một người em thúc bá của bà nội tôi. Mẹ tôi liền bước tới quầy vải của bà và bảo tôi:

- Chào bà Xuân đi con! Rồi mẹ tôi lễ phép nói với bà Xuân- Thưa dì, mẹ con cháu vừa xuống chợ. Cháu không biết hôm nay dì đã đi chợ, có đắt hàng không ạ?

- Trời ơi, không có đủ hàng mà bán con ạ! Người mua tranh cướp nhau từng mét vải một, chẳng bù cho những ngày ế ẩm ở chợ quê. Thế ông bà nội thằng Văn có khỏe không? Hai tuần nay, dì đang bận dựng lại căn nhà mới trên cái nền cũ, bận quá nên không lên thăm ông bà trên quê được. Thôi, bây giờ hai mẹ con đi ăn quà với dì đã rồi hẵng về!

Nói rồi, bà Xuân dẫn hai mẹ con tôi vào một hàng bánh cuốn ngay đầu chợ. Chưa tới nơi mà mùi nước mắm cà cuống thơm lừng đã xộc ngay vào mũi. Hàng bánh cuốn nhỏ chỉ một dẫy bàn, hai hàng ghế, một người tráng bánh, một người bày bàn phục vụ nên khách phải chờ một lát. Bánh cuốn quê tôi hồi ấy thật lạ! Người ta tráng dầy và bột gạo hơi sẫm mầu chứ không trắng tinh như ở các chợ ngoài Bắc. Những đĩa bánh bốc lên hương gạo mới vừa thơm,vừa bùi khó mà quên được. Rau thơm thì vẫn húng chanh, húng quế, mùi ngò. Nhưng hấp dẫn nhất, có lẽ là nước mắm cốt pha loãng với hương cà cuống, hơi cay cay xộc lên mũi một mùi thơm khó tả. Đang đói lại lần đầu tiên được ăn quà ngay giữa phiên chợ lớn của tỉnh, tôi háo ăn quên cả mời bà mời mẹ, và tì tì chén hết hai đĩa bánh trong nháy mắt. Sau này lớn lên đi hết mọi miền của đất nước, đi qua gần nửa trái địa cầu, mà bữa bánh cuốn quê hôm đó vẫn còn đọng lại hương vị trong ký ức, như là một bữa ăn ngon nhất trong cả cuộc đời.

6-Chuyện tình tuyệt vọng của chú Nam tôi

Ăn xong, bà Xuân dẫn hai mẹ con tôi qua chỗ bà đang dựng nhà ngay gần đó. Bà nói, “Chỉ dựng lại ba gian nhà gỗ trên nền nhà cũ ngày trước, chủ yếu để chứa vải chứ làm gì có người ở mà làm to”. Đúng là nay, nhà chỉ có hai ông bà và một người con dâu ở cùng thôi. Các chú, các cô con của ông bà bây giờ, người thì đã mất, người thì ở xa mãi Hà Nội, Sài Gòn rất ít khi về.

Lúc nhìn vào cái nền nhà cũ nơi bà Xuân đang cất nhà, không hiểu sao mẹ tôi cứ lấy khăn lau nước mắt. Khi thấy bà Xuân đã về tới sạp vải giữa chợ, mẹ tôi liền đi vào giữa nền nhà ngày xưa, đứng nhìn quanh một lúc như muốn tìm lại một cái gì đó. Rồi mẹ tôi cứ dẫn tôi đi loanh quanh đoạn phố gần nơi bà Xuân đang cất nhà, khoảng chừng nửa giờ đồng hồ sau mới ra về. 

Thấy lạ quá, trên đường về, tôi hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, khi ở chỗ nền cũ nhà bà Xuân, hình như mẹ có ý định tìm kiếm một cái gì đó phải không?

- Mẹ không định tìm gì lúc ấy, nhưng hình như có ai đó muốn giữ chân mẹ lại con ạ! Cảm giác như, có người đang muốn nói với mẹ điều gì đó.

Rồi như không cầm được lòng mình, vừa đi mẹ tôi vừa kể cho tôi nghe câu chuyện tình tuyệt vọng của chú Nam, em ruột bố tôi, đã từng xẩy ra tại ngôi nhà trước đây tọa lạc trên cái nền cũ ấy.

Hồi Pháp thuộc, đó là một tòa nhà ba tầng xây gạch khang trang rộng rãi, vừa là nơi ở, vừa là tiệm vải của bà Xuân. Nhà bà có hai người con trai và ba người con gái, cô nào cũng đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Đặc biệt, cô con gái út của bà tên là Diễm, vừa xinh đẹp lại vừa tài hoa nức tiếng cả vùng. Do bà nội tôi và bà Xuân là chị em thúc bá, con chú con bác ruột, nên hai bà rất thân nhau. Vì thế, chú Nam và cô Diễm đã quen biết nhau từ thuở thiếu thời. Lớn lên, chú Nam xuống thị xã trọ học, nên hai người càng có điều kiện gặp gỡ nhau. Bề ngoài ai cũng nghĩ, anh em họ hàng với nhau, thân nhau, giúp nhau học tập là chuyện thường tình, thậm chí còn tạo mọi điều kiện cho họ qua lại với nhau.

Nhưng, vào một ngày xuân sau khi đi trẫy hội về, chú Nam đã thưa chuyện với ông bà nội tôi xin được cưới cô Diễm làm vợ thì cả hai nhà mới tá hỏa lên. “Là anh em họ gần, các con không được phép lấy nhau!” Bà Xuân và bà nội tôi đã hết lời can ngăn, nhưng cả cô Diễm và chú Nam đều nhất mực không chịu. Gia đình hai bên đành phải kiên quyết không cho phép cô Diễm và chú Nam qua lại với nhau nữa. Nhưng cấm thì cấm, họ vẫn bí mật đi lại với nhau.

Không còn cách nào khác, cuối cùng bà Xuân phải bắt cô Diễm ra Hà Nội ở với một người em ruột của bà ngoài đó, để hai người không còn gặp nhau được nữa. Tưởng rằng ra đó, dần dà cô Diễm sẽ quên được mối tình đầu. Nào ngờ khi ra ngoài đó, do tương tư mà cô Diễm đã lâm bệnh nặng. Ông cậu của cô ấy, đã phải đưa cô đi điều trị hết bệnh viện này tới bệnh viện khác. Nhưng, bệnh tình của cô Diễm vẫn không thuyên giảm mà ngày càng nặng lên. Rồi cái gì cần làm đã phải làm. Gia đình bà Xuân lại phải ra Hà Nội đón con gái về nhà vì các bác sĩ cho rằng không còn cứu chữa được nữa.

Khi về đến thị xã, chú Nam xuống thăm thì cô Diễm lại vui tươi trở lại như có một phép mầu kỳ diệu. Lúc bấy giờ, cả hai gia đình mới biết, đây là một mối tình trời định không thể nào chia cắt được, nên đã đồng ý cho chú Nam được ở bên cô Diễm để sớm tối chăm nom. Nhưng, do bệnh tình của cô Diễm đã nhập vào tâm, mỗi ngày chỉ ăn được vài thìa cháo do chú Nam bón cho chứ không còn sức sống nữa. Khuôn mặt ngọc ngà của cô cứ héo hắt dần đi, như một bông hoa đã bị ngắt khỏi cành. Mặc dù đã được cả hai nhà và chú Nam ngày đêm thuốc thang nâng giấc, nhưng bệnh tình cô Diễm đã không còn cơ cứu vãn!

Và, vào đêm Nô-en năm ấy, khi gió mùa đông bắc lồng lộng thổi mang cái rét và những cơn mưa dai dẳng từ phương Bắc tràn về, cô Diễm, như chiếc lá cuối cùng đã rơi xuống, vĩnh viễn chia tay tình yêu cùng cuộc đời ngắn ngủi của mình khi chưa đầy mười tám tuổi!
Đêm giáng sinh, chuông nhà thờ ngân vang cùng muôn vàn lời cầu nguyện như sẻ chia với một tình yêu bạc mệnh, mà số phận con người đã bị Chúa Trời vô tình bỏ rơi!

Sau khi cô Diễm qua đời, chú Nam do đau đớn quá đã bị tâm thần, ngơ ngơ, ngẩn ngẩn mất một thời gian dài. Lúc nào bên cạnh giường nằm, chú cũng treo la liệt ảnh to, ảnh nhỏ của cô Diễm và độc thoại những câu bằng tiếng Pháp chẳng ai hiểu gì cả. Khi kể đến đây, mẹ tôi sụt sùi khóc và nói:

- Mối tình như của chú Nam và cô Diễm, trước đây mẹ cứ tưởng chỉ có trong tiểu thuyết. Nào ngờ, nó lại xẩy ra với ngay những người ruột thịt trong nhà mình! Thật là đáng thương con ạ! Không biết trời Phật ở đâu, mà không phù hộ độ trì cho cô chú ấy? Thế mới hay, người xưa đã có câu,“Tu là cõi phúc, tình là giây oan!”  Con ơi, lẽ nào trời Phật chỉ độ trì người đi tu thôi sao? Thế thì biết lấy ai đẻ ra con đàn cháu đống để mang lại tình yêu bất diệt cho trái đất muôn vàn yêu dấu của chúng ta?

Thấy mẹ tôi quá xúc động, tôi liền hỏi một câu như để làm vợi bớt nỗi lòng của mẹ:

- Thế rồi sau đó, chú Nam có khỏi được bệnh không hả mẹ?

- Nhờ có thuốc tốt, lại được ông bà nội con săn sóc tận tình, nên dần dần chú Nam cũng khỏi được bệnh. Ba năm sau, ông bà nội đã cưới cho chú ấy một người vợ rất đẹp, lại nết na người Thanh Điền tên là Lan. Được thím Lan thương yêu săn sóc chu đáo, nên chú Nam đã khỏe mạnh và vui tươi trở lại. Nhưng chẳng ai ngờ, chỉ vì một hôm chú ấy đi thị xã thăm mộ cô Diễm bị mưa ướt, mà về nhà chú ấy đã bị cảm hàn nặng. Ông nội các con đã chạy chữa cho chú ấy hết thầy, hết thuốc mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Và chỉ hơn một tháng sau, chú Nam đã qua đời. Ai cũng nói, cô Diễm đã về đón chú Nam cùng lên thiên đường với cô ấy. Phải chăng, định mệnh đã sắp đặt cho cuộc đời của mỗi một chúng ta?

Thế là, phiên chợ Tỉnh ấy đã cho tôi biết thêm một điều bí ẩn nữa về cái thị xã nhỏ bé thân thương, nay chỉ còn lại dấu tích của một thành xưa đổ nát. Bằng cái cảm nhận mơ hồ của con trẻ, tôi chợt nghĩ, biết đâu sau mỗi một bức tường xưa đổ nát ấy, đang ẩn dấu một mối tình dang dở bởi muôn vàn những lý do, mà may ra chỉ có trời mới biết.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét