Đặng Huy Văn: Ngày còn bé, tôi đã hiểu vì sao người ta lại gọi dân Hà Tĩnh quê tôi là dân Cá Gỗ. Ông nội tôi kể, ngày xưa quê tôi có một chàng học trò nghèo nhưng rất ham học. Chàng ra kinh kỳ dự thi nhưng không đủ tiền. Ngày ngày chàng phải vào quán mua cơm và xin một ít nước mắm vì đã có “con cá rán” mang theo. Bà chủ quán liếc qua thấy quả chàng có một con cá rán vàng ươm trông thật ngon mắt. Nhưng để khỏi bị lộ tung tích, vài ngày chàng ăn quán này, vài ngày sau chàng lại sang quán khác. Chẳng ngờ một ngày kia, chàng vào một quán nọ thì tình cờ gặp cô con gái chủ quán cơm giàu có đó để mắt và nàng quyết định chờ cho chàng ăn cơm xong sẽ đi rửa bát cho chàng. Trong lúc hai bên giằng co khi chàng không muốn tiểu thư rửa bát cho mình vì sợ bị bại lộ thì con cá rán vàng ươm đã nằm trên mặt đất. Nàng nhặt lên thì mới biết đó là một con cá gỗ! Lúc đó nàng càng thương chàng hơn và ngày ngày nàng đã giấu mẹ mang thêm thức ăn cho chàng. Nhờ tình yêu của nàng mà chàng đã thi đỗ tiến sĩ ngay trong kỳ thi đó và chàng đã được triều đình bổ nhiệm ra làm huyện quan tại một huyện lớn của tỉnh Bắc Ninh.
Ngày bái tổ vinh quy, nàng đã xin mẹ rất nhiều tiền để cùng chàng về làm công đức cho quê hương nhằm giúp quê tôn tạo lại chùa chiền, trường học, đình đền miếu mạo. Và từ đó trở đi trên quê hương Cá Gỗ của tôi, những chùa chiền và các công trình văn hóa năm này qua năm khác, đời này qua đời khác đã lần lượt được mọc lên là do truyền thống uống nước nhớ nguồn để cảm tạ trời đất quê hương của những người con đã được đỗ đạt vinh hiển ra làm quan. Xã tôi cũng nhờ thế mà có một ngôi chùa Tịnh Tâm rất đẹp trên đỉnh rú Sò, có Đình Thánh thờ Đức Thánh Trần và làng nào cũng có đình, đền miếu thờ Thành Hoàng Làng nguy nga đồ sộ tính có thể lên tới mấy chục ngôi.
Nhưng năm 1954, đội CCRĐ do đoàn cố vấn Trung Quốc cử về đã tuyên bố: “Đó là những tàn dư xấu xa của chế độ Phong Kiến phản động để lại! Chế độ cộng sản văn minh hơn các chế độ Tư Bản và Phong Kiến phải phá bằng sạch những tàn dư đó để xây dựng nên một “Thiên Đường cộng sản” trên quê hương Việt Nam này!” Và từ đó, sư và các vãi trong chùa đã bị đuổi về quê làm ruộng, nhà chùa được làm trụ sở ủy ban xã. Ông Hòa Xờ, chủ tịch kiêm bí thư đảng ủy, một cố nông chưa biết chữ của xã tôi đã ra tuyên bố, “Kể từ hôm nay, tôi ra lệnh bà con hãy đập phá bằng hết các đình đền, miếu mạo khắp các xóm làng trong toàn xã để lấy vật tư làm chuồng lợn, chuồng bò và sân kho hợp tác xã. Ai không tuân lệnh sẽ bị xử nghiêm như trong CCRĐ!”. Lệnh của đảng đã ban nhưng mãi đến năm 1964, năm tôi rời quê vào đại học, thì mệnh lệnh trên mới được thực thi triệt để vì gặp phải nhiều công trình kiên cố và đồ sộ quá!
Năm ngoái cũng dịp này, bà Phan Thị Diễm Hạnh, một người bạn gái thời thơ ấu của tôi đã từ Hoa Kỳ về nước thăm quê sau gần 60 năm biệt xứ, nghe nói đi đến đâu bà ấy cũng khóc. Bà ấy nói, có lẽ phải mất tới hàng tỷ đô la thì may ra mới có thể phục hồi lại được phần xác của các công trình văn hóa đó. Nhưng phần hồn thì đã vĩnh viễn bay đi quá xa rồi!
ĐÂU HỒN CÁ GỖ QUÊ MÌNH NGÀY XƯA?
(Viết tặng bà Phan Thị Diễm Hạnh)
Thương sao Cá Gỗ quê mình
Một thời phá miếu, đập đình làm kho
Cột đình thành cột chuồng bò
Sân đình để chứa phân tro của làng
Tượng chùa, đồ gỗ, bát nhang
Ai thích hợp tác sẵn sàng biếu không
Lư hương, tượng Phật bằng đồng
Đem đúc thành những đồ dùng ủy ban
“Tàn dư Phong Kiến” ngàn năm
Chỉ mười năm phá tan hoang kiếp đời!
Nhìn mà thương quá Diễm ơi!
Đình Eo, Đình Thánh…một thời, giờ đâu?
Miệu Hai Voi thuở chăn trâu
Ngang qua không dám ngó vào vì thiêng
Làng nào cũng có đình đền
Phá cho cái móng xây nền rỗng không
Đất văn hiến của tổ tông
Ngàn năm truyền lại cha ông giữ gìn
Mà nay thời đại “văn minh”
Đâu hồn Cá Gỗ quê mình ngày xưa?
Đầu năm về vãn cảnh chùa
Tịnh Tâm mới dựng lại vừa mấy năm
Đồ thờ, tượng Phật, nhà tăng
Còn đâu cổ kính huy hoàng thời xưa
Như ngày theo mẹ lên chùa
Bái đường tập lạy được sư tận tình
Hai ông Hộ Pháp nghiêm minh
Ông Ác oai vệ, ông Lành đáng yêu
Chuông Chùa ngân vọng sớm chiều
Như nhắc dân chúng nhớ điều thiện căn
Thấm thoắt đã sáu mươi năm
Diễm ơi em quá ngỡ ngàng phải không?
Thương hồn Núi, xót hồn Sông
Ai yêu Tổ Quốc mà lòng chẳng đau!
Bảy mươi năm lụy cộng Tàu
Nồi da xáo thịt đồng bào dã man
Lương dân sống kiếp cơ hàn
Để phường cơ hội nhũng tham làm giàu
Còn chờ chi hỡi đồng bào
Mà chưa quét sạch cộng Tàu, Việt gian?
Ai bắt ta phải hợp tan?
Ai gây ra cảnh điêu tàn hôm nay?
Diễm ơi em có nhớ ngày
Thắp hương Chùa Tịnh cầm tay nhau quỳ
Nguyện cầu qua lúc gian nguy
Ba em bị bắn, anh thì ăn xin(*)
Anh lầm rầm miệng cầu kinh
Em đọc Kinh Thánh, giật mình anh thương!
Chùa quê đâu phải Thánh Đường?
“Em tin Chúa, Phật đều thương chúng mình!”
Hà Tĩnh, 4/12/2014
Đặng Huy Văn
(*). http://danghuyvan.blogspot.com/2013/12/chao-nam-moi-2014-va-em-ve-tren-que.html
Ông cha xây dưng mất nghìn năm, công sản chỉ mất mười năm để xóa sạch. Nhũng kẻ ra lệnh dỡ đá đình thánh để xât kho phân hợp tác chắc chắn sẽ bị quả báo anh Huy Văn ạ.
Trả lờiXóa