Đặng Huy Văn: Do
cậy con nhà giàu, nên tôi cứ lêu lổng mãi chơi thành ra phải học đi học lại lớp
Một tới ba năm. Đầu năm 1953, tôi bước vào lớp Một năm thứ ba thì gặp Diễm Hạnh,
một bé gái người công giáo rất xinh xắn kém tôi một tuổi vào học cùng lớp. Mặt bạn
ấy nhìn như Đức Mẹ Maria nên nhiều “chàng trai” trong lớp muốn làm thân nhưng
bạn ấy không ngờ lại chỉ quí tôi, có thể vì ba bạn ấy cùng làm việc ở xã với
chú tôi, nên chúng tôi đã quen nhau từ trước. Mỗi lần tôi ngồi quậy phá trong
lớp bị cô giáo đuổi ra ngoài, bạn ấy đều cất sách vở cho tôi, rồi đến cuối buổi
lại âu yếm trao lại cho tôi mà không một lời trách móc. Tôi thì vẫn gọi bạn ấy
bằng “mày, tao” nhưng trong thâm tâm, tôi rất mến và phục vì bạn ấy đã ngoan
lại học giỏi hơn tôi. Chúng tôi cùng học với nhau năm lớp Một rồi đầu năm 1954,
cả hai đứa lại cùng lên học lớp Hai với nhau.
Mùa hè năm 1954, vừa học xong học kỳ I của lớp Hai, tôi và bạn ấy lại tham gia cùng đội thiếu niên nhi đồng của xã tập múa hát để chào mừng ngày hòa bình lập lại 20/7/1954 nên thỉnh thoảng tôi phải ở lại ăn cơm trưa tại nhà bạn ấy. Nhà bạn ấy vào loại khá giả. Bạn ấy còn một cậu em trai 7 tuổi nữa tên là Thiện. Ba bạn ấy làm việc ở xã, còn bà mẹ thì giúp việc trong Nhà Thờ. Mỗi lần tôi ở lại ăn cơm thì cả hai chị em đã giành hết thời gian để chăm sóc tôi. Nhưng không ngờ hơn một tháng sau, cả gia đình tôi và gia đình bạn ấy đã gặp phải một sự cố khủng khiếp. Tháng 9/1954 đội Giảm Tô về, mẹ tôi đã bị qui là địa chủ, còn ba bạn ấy thì bị qui là phản động. Tháng 10 năm ấy, nhà mẹ tôi bị trưng thu để thoái tô, còn ba bạn ấy đã bị bắt giam và cả hai đứa chúng tôi đều đã bị đuổi học. Tôi phải đi ở chăn bò để kiếm cơm ăn, nhưng chỉ có người công giáo họ mới thuê, nên tôi đã đi ở ngay tại làng bạn ấy. Ngày ngày, hai đứa lại dong bò lên đồi ngay gần làng cho ăn cỏ và thỉnh thoảng, bạn ấy lại dúi cho tôi vài củ khoai ăn trưa. Và cuối năm 1954, điều khủng khiếp nhất đã ập xuống gia đình bạn ấy. Ba bạn ấy đã bị kết án tử hình vì tội “làm gián điêp” và đã bị xử bắn ngay đầu xã vào một chiều mùa đông giá rét. Cả mẹ và bạn ấy đều phải ra tận nơi xử bắn ba mình để chứng kiến tận mắt. Mẹ tôi và các gia đình địa chủ khác trong xã cũng đều phải đến dự. Khi nghe tiếng súng nổ, mẹ tôi phải ôm chặt người bạn ấy, còn mẹ bạn ấy thì lăn lộn trên mặt đất ướt gần nơi xác ba bạn ấy vừa ngã xuống. Tôi không cầm được nước mắt rồi cùng mẹ tôi cứ ôm chặt lấy bạn ấy, nhưng bạn ấy chỉ bặm môi nấc lên mà không khóc thành tiếng. Mẹ tôi thì ngửa mặt lên như hỏi ông trời, “Sao một người hiền lành lại bị bắn một cách oan uổng như vây?” Tôi nhớ đó là ngày 26 tháng 11 năm Giáp Ngọ, tức ngày 20/12/1954, cách đây tròn 59 năm! Sau khi chôn cât ba được hai tuần, thì ba mẹ con bạn ấy đã theo những người công giáo khác ra Nghệ An để di cư vào Nam. Mồ mả của ba bạn ấy đã được gửi lại cho người bà con trông nom. Lúc chia tay vội vã vào giữa đêm gió mùa đông bắc, tôi chỉ kịp ôm choàng lấy bạn ấy và khóc nấc lên thành tiếng. Từ đó trở đi, tôi không còn tin tức gì về bạn ấy nữa!
Lạ kỳ thay, một tuần trước Nô-en 25/12/2013 này, thấy bạn tôi ở quê gọi điện ra bảo: “Anh Văn ơi, có một bà Việt kiều ở Mỹ về quê, đến chơi nhà tôi nói là muốn gặp anh đấy. Bà ấy nói tên là Diễm Hạnh cùng anh con trai từ Mỹ về để xây mộ cho bố bà ấy đã bị bắn hồi giảm tô, cuối năm 1954, anh ạ! Bà ấy đẹp lắm! Nghe nói bà ấy còn ở nhà xây mộ ba, góp tiền tôn tạo lại Nhà Thờ công giáo nên qua tết một tháng mới đi. Tết này, anh về thăm nhà vẫn còn gặp được, anh ạ”. Tôi bần thần người rồi bỗng giàn giụa nước mắt. Lạy Chúa! Thế mà trời vẫn còn cho hai đứa chúng con còn có dịp gặp lại nhau ư?
CHÀO NĂM MỚI 2014 VÀ EM ĐÃ VỀ TRÊN QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU!
(Viết tặng Phan Thị Diễm Hạnh, một người bạn thời thơ ấu)
Em ơi nhớ chăng?
Thuở hai đứa mình còn ngồi học bên nhau
Anh hay phá quấy nên nhiều lần cô giáo đuổi
Em cất sách vở cho anh, chiều về đưa không nói
Anh cứ tưởng bị em khinh, tim anh bỗng nhói đau!
Vừa xinh đẹp lại ngoan, ai cũng thích em kết bạn bè
Mà em chỉ săn sóc anh, làm cho anh thấy ngượng
Em ơi, anh là một trẻ hư học đúp lên đúp xuống
Đừng chơi với anh, mà các bạn diễu em nghe!
Nhưng thỉnh thoảng em cứ đón anh về nhà ăn trưa
Được ba mẹ em coi như con, mà lòng anh hạnh phúc
Mẹ em bảo, anh phải ngày ngày giúp em trong học tập
Như một lời khuyên răn, cháu phải học giỏi, nghe chưa?
Rồi sáng chủ nhật nào em cũng rủ anh cùng đi lễ nhà thờ
Để nghe hát những bài Thánh Ca, để hiểu về Đức Chúa
Anh được nghe Cha đạo giảng thánh kinh từ ngày đó
Nhiều câu kinh Phúc Âm anh vẫn còn nhớ tới giờ
Rồi một chiều cuối năm, anh dẫn em lên Chùa xã
Em kêu lên, chùa trên đỉnh núi sao linh thiêng kỳ lạ!
Chùa nhà Phật từ bi, đã dạy ta phải biết sống làm người
Khác nào Chúa răn trong Nhà Thờ, phải ngoan đạo, em ơi!
Có một lần em hỏi ba, Chúa Trời và Đức Phật khác gì nào?
Ba bảo, Đức Phật do tu vô lượng kiếp đã thành Giác Ngộ
Còn Chúa Giê su do được Trời ban Phước Lành mà có
Cả hai đều răn, con người phải biết sống yêu nhau!
Em còn nhớ mùa hè vừa ký xong Hiệp định Genève(*)
Cả lớp Hai của chúng mình, đã cùng nhau vui hát múa
Em như thiên thần nhỏ Nô-en trong đêm Sinh Nhật Chúa
Trên sân khấu chào mừng hòa bình đã trở lại giữa làng quê
Ngày tựu trường lớp Hai học kỳ II đầu tháng Chín đã trở về
Chúng ta lại bên nhau cùng thi đua bước vào năm học mới
Nhưng chưa kip đón mừng cùng bạn bè vui phấn khởi
Thì một biến cố từ trên trời đã ập xuống thảm thê!
Mẹ anh bị qui sai là địa chủ khi đội Giảm Tô về
Còn ba em đã bị chính quyên gán cho là phản động
Một tháng sau ba em bị bắt giam, nhà anh thì trưng dụng
Hai đứa đều bị đuổi học khỏi trường mà buồn thảm buồn thê!
Ôi khủng khiếp quá ngày chúng đưa ba em ra trường bắn!
Ba còn giơ tay vẫy chào mẹ em và cả hai đứa chúng ta
Mẹ em lăn lộn trên bùn đất khi nghe tràng súng nổ
Thôi! Cả hai đứa mình đâu còn nữa người ba!
Hai tuần sau, mẹ con em di cư làm anh nức nở khóc
Diễm Hạnh ơi! Sao ông trời không thương xót chúng ta?
Hãy dũng cảm lên em, một thiên thần mới vừa tròn 9 tuổi
Đã phải rời bỏ quê hương dấu yêu và nấm đất của người cha!
Em đi rồi, cây trong vườn nhà em cũng như lòng anh khô héo
Anh phải bỏ về bên quê ngoại chăn bò để vợi bớt buồn đau
Em ơi, anh nghĩ giá ông trời cho sống thêm kiếp nữa
Thì xin Người lại cho ta được đi học cùng nhau!
Nay nhận được tin em, lòng anh đã bồi hồi thổn thức
Mẹ em nay ở đâu hay đã cùng số phận các thuyền nhân?
Cậu Thiện em nay ở đâu, hay đã bỏ mình trong chiến trận
Chồng em nay ở đâu hay đã bị vùi trong biến cố Mậu Thân?
Sao quê hương đã gây cho em bao đớn đau mà em còn trở lại?
Gặp lại em, anh sẽ biết nói gì nữa đây khi tuổi đã xế chiều
Người ta đang dọa sẽ bỏ tù anh ví hay nói về chuyện cũ
Xin em đừng dính vào anh mà khốn khổ đó, em yêu!
Tết năm nay, anh sẽ về quê để gặp lại em lần cuối
Mong em đừng buồn vì anh đã thân tàn ma dại mất rồi!
May chăng em có thể nhận ra anh khi em nhìn vào đôi mắt
Đời dẫu bảy nổi ba chìm, mà đôi mắt anh vẫn còn đó niềm vui!
Năm Mới 2014, anh chúc em và bà con Việt Kiều an vui, hạnh
phúc
Chúc nền kinh tế nước ta từ thôn quê đến thành thị đỡ khó
khăn
Chúc Dân Chủ, Nhân Quyền, Tự Do năm nay hơn năm ngoái
Chúc sức khỏe tù nhân lương tâm và hàng triệu dân oan!
Hà Nội, 29/12/2013
Đặng Huy Văn
(*). Hiệp định Genève, 1954 – Wikipedia tiếng Việt
vi.wikipedia.org/wiki/Hiệp_định_Genève,_1954
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét