Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

NHỚ SƯ THẦY CHÙA TỊNH LÂM

PHÚC ĐÌNH
(Để tưởng nhớ vị sư thầy kính yêu thời thơ ấu của tôi)
 
Quê tôi có ngôi chùa cổ Tịnh Lâm rất đẹp. Chùa nằm trên một ngọn đồi có tên là Rú Trò nhìn xuống một bàu nước rộng. Bàu nước này được nối với dòng sông Kẻ Gỗ thủy triều lên xuống ngàn đời ôm lấy quê hương yêu dấu của tôi. Nghe ông nội tôi kể, chùa đã được lập ra từ thời Trần. Đến thời Lê, chùa được tôn tạo lại đàng hoàng hơn. Đặc biệt là thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Chúa Trịnh đã lấy một bà ở quê tôi làm phi. Bà Phi này sau đó đã công đức xây dựng lại chùa Tịnh Lâm khang trang, có nhiều tượng Phật, ban thờ, bát nhang, có chính điện, bái đường, hậu cung và nhà Tăng như các chùa lúc bấy giờ ở ngoài Bắc. Đến đời Vua Tự Đức, nhiều người đỗ đạt ở Hà Tĩnh, Nghệ An đã công đức tôn tạo lại chùa Tịnh Lâm một lần nữa. Lần này, ngoài việc mở rộng bái đường và hậu cung ra, còn xây lại nhà Tăng rộng rãi khang trang hơn để cho sư thầy, các tiểu và khách thập phương có chỗ ở, chỗ ăn và chỗ học. Quả chuông lớn hiện nay vẫn còn nghe nói cũng đã được đúc từ thời Tự Đức ấy.

Khi tôi lên 5 tuổi, mẹ tôi đã đưa anh cả và em trai của tôi ra Thanh Hóa vì lúc bấy giờ, ba tôi là thường vụ tỉnh ủy xứ Thanh nên không thể về nhà được. Thế là tôi đã được ba mẹ gửi sang ở nhà ông bà nội, nên cứ ngày rằm mùng một là tôi lại được theo ông nội lên chùa. Ngày đó chùa Tịnh Lâm có một sư thầy khoảng ngoài 40 tuổi người Huế trụ trì và một số tiểu khoảng mười mấy tuổi ở đó để học đạo và cơm nước giúp sư thầy. Nhiều vãi thường xuyên đến giúp nhà chùa làm ruộng cùng các công việc trong chùa. Chùa Tịnh Lâm hồi đó có khá nhiều ruộng. Đến ngày mùa cấy hái, sư thầy cũng xuống đồng khai hội cùng các vãi và các phật tử đến cày gặt giúp nhà chùa. Sau lần sư thầy làm lễ cầu siêu giúp hai hàng binh người Nhật vào tháng 8 năm 1949 ấy, tự nhiên tôi thấy chùa Tịnh Lâm như là mái nhà thứ hai của tôi. Khi cha đỡ đầu Hiroshima của tôi đã đi khỏi nhà ông bà nội, tôi đã thường xuyên lên chùa học kinh kệ cùng với các tiểu nên tôi đã có dịp gặp sư thầy nhiều hơn. Sư thầy có nét mặt thanh tú, đôi mắt sáng hiền từ và luôn nhìn mọi người trìu mến. Sư thầy tuy hơi gầy nhưng da đỏ hồng hào và rất nhanh nhẹn.

Năm 1951, sau khi mẹ tôi từ Thanh Hóa về, tôi thường lên chùa Tịnh Lâm cùng với cậu em trai sinh năm 1946 của tôi. Không hiểu sao chỉ mới gặp gỡ mấy lần mà sư thầy đã rất quý mến em trai tôi. Em tôi là con trai thứ tư nên ba mẹ tôi đặt tên em là Tứ, nhưng một hôm sư thầy bảo em trai tôi: “Thầy sẽ đặt tên cho con là Hồng Ân, con có thích không?” Từ đó em trai tôi có tên là Hồng Ân và thích lên chùa nhiều hơn. Chúng tôi lên chùa thường được các tiểu dạy đọc kinh, dạy hành lễ chùa và dạy chữ. Sư thầy thấy chúng tôi lúc nào cũng quấn quýt bên các chú tiểu nên rất hài lòng. Những hôm không phải đến trường, chúng tôi thường được sư thầy bảo ở lại ăn cơm chay cùng với các tiểu. Rồi một hôm, có rất nhiều các anh lớn là học sinh trường cấp II Đại Thành đến chùa để được nghe sư thầy thuyết giảng về đạo hiếu. Anh em tôi hôm ấy cũng được sư thầy cho ngồi nghe cùng. Sau khi thầy trò đã làm quen với nhau, sư thầy từ từ giảng:

- Các con thân mến! Phàm đã làm người thì Đạo Hiếu là quan trọng nhất. Đạo Hiếu có nghĩa rất rộng các con ạ. Trước hết là “đạo làm con” phải có hiếu với mẹ cha, “đạo làm dân” phải có hiếu với Tổ Quốc, “đạo làm quan” phải có hiếu với muôn dân…Hôm nay các con đang là học sinh nhưng ngày mai sẽ là người lính ngoài trận mạc. Đứng trước hòn tên mũi đạn của quân thù, nếu không có đạo hiếu với non sông thì làm sao các con có thể vượt qua được nỗi sợ hãi để tiến lên giết giặc? Hoặc là ngày mai, các con sẽ trở thành một quan chức nhà nước phải lo cho sinh mạng của muôn dân. Khi đã có quyền chức trong tay thì tất sẽ có rất nhiều cám dỗ như địa vị, tiền tài, danh vọng, sắc dục…Nếu không thấm nhuần đạo hiếu làm quan là phải đặt quyền lợi của người dân lên trên quyền lợi của mình, thì làm sao các con có thể tránh được những cám dỗ đó để mà phụng sự nhân dân? Cũng như đạo hiếu với cha mẹ, giả sử một mai cha mẹ các con chẳng may bị đau yếu nằm liệt giường nhiều năm. Lúc đó, nếu không có lòng hiếu thảo vô hạn đối với cha mẹ mình, liệu các con có nuôi dưỡng được cha mẹ chu đáo đến mãn đời không?

Rồi sư thầy kể về những tấm gương “hiếu với Tổ Quốc” của các anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung…Tất cả đều vì Đạo Hiếu với non sông mà họ đã sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình để bảo vệ Tổ Quốc trước mưu mô xảo quyệt của kẻ thù xâm lăng truyền kiếp của dân tộc Việt Nam! Tiếp đó, sư thầy kể về những ông quan thanh liêm, những người con hiếu thảo…khiến cho các anh học sinh xúc động đến chảy nước mắt. Kể từ ngày đó, chúng tôi càng yêu kính sư thầy và nhờ thế việc học đạo của chúng tôi cũng tiến bộ rất nhanh. Chúng tôi đã học thuộc được một số kinh sách và các cách hành lễ chùa vào những ngày đặc biệt trong năm như Lễ Rằm Tháng Giêng, Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan…

Nhưng sau đó vài năm, một sự kiện không ngờ đã ập xuống quê tôi ngày ấy. Cuối năm 1954 đầu năm 1955, một đoàn cán bộ lạ mặt đi cùng với hai vị cố vấn người ngoại quốc về xã tôi công tác đã làm xáo trộn mọi sinh hoạt bình thường của người dân trong xã. Chùa Tịnh Lâm đã bị đoàn cán bộ đó ra lệnh đóng cửa. Ruộng chùa và mọi tài sản của nhà chùa đều bị tịch thu. Sư thầy và các tiểu đã bị đuổi ra khỏi chùa vào một chiều đông giá rét. Ngồi trên lưng trâu, tôi lưu luyến nhìn theo thầy trò nhà sư đang thất thểu đi qua cánh đồng làng. Tại thị xã Hà Tĩnh, sư thầy của tôi đã bị đấu tố về các tội “mê tín dị đoan và tuyên truyền các tàn dư văn hóa của chế độ phong kiến phản động”. Sau đó sư thầy bị bắt giam và ba tôi cho biết là nhà sư đã chết trong tù vài tháng trước khi có lệnh được tha! Chùa Tịnh Lâm từ đó do không có người trông coi nên hư hỏng rất nhanh. Các tượng đồng đen, đồng đỏ sau một thời gian ngắn đã không cánh mà bay. Hai pho tượng lớn “Ông Thiện” và “Ông Ác” được xây bằng gạch và vôi đã bị đập nát. Các tượng gỗ đã bị một số nông dân “bài trừ mê tín dị đoan” mang về chẻ củi để đun bếp. Tháng 8 năm 1964, trước khi tôi ra Hà Nội để học đại học thì tất cả các đình đền miếu mạo trong xã tôi có tới vài chục ngôi đều đã bị đập phá đến tận móng. Riêng chùa Tịnh Lâm thì vẫn còn lại cái xác nhà nhưng mái ngói đã bị đổ nát mất một nửa. May mà Chuông Chùa đã được Ủy Ban xã mang về làm chuông báo động máy bay nên còn giữ lại được đến ngày nay.

Tháng 6 năm 1965, em trai Hồng Ân của tôi đang học dở cấp III Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh đã xung phong nhập ngũ. Nhà trường cũng khuyên em tôi nên ở lại vì đang học dở dang, còn mẹ tôi đã khóc lên khóc xuống vì nếu em trai tôi nhập ngũ thì ở nhà ai sẽ gánh vác việc đồng áng cho mẹ đây? Trong khi tuyệt vọng vì không thể thuyết phục được em trai tôi đừng xung phong nhập ngũ nữa, mẹ tôi đã gào lên: “Mày là một đứa con bất hiếu, đã đi thì đừng bao giờ quay về nữa!” Lúc đó em trai tôi đã quỳ xuống khóc van lạy mẹ tôi:

-Mẹ ơi, Tổ Quốc đang lâm nguy mà mình không ra trận để bảo vệ Tổ Quốc thì con mới là kẻ bất hiếu, thưa mẹ! Ba của chúng con ngày trước mới 20 tuổi đầu mà cũng đã đi rải truyền đơn kêu gọi biểu tình chống thực dân Pháp nên đã bị Pháp bắt giam 5 năm tù ở Ngục Côn Tum mà mẹ không nhớ sao? Theo lời dạy của sư thầy, chữ hiếu đầu tiên của con người phải giành cho Tổ Quốc nên con mong mẹ hãy tha tội cho con! Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, con hứa sẽ trở về nuôi mẹ đến trọn đời! Con mong mẹ hãy hiểu cho con.

Đau đớn thay đúng 18 tháng sau đó, ngày 6 tháng 1 năm 1967, em trai Hồng Ân của tôi đã vĩnh viễn ngã xuống tại tuyến lửa Quảng Bình! Mẹ tôi đã trở thành Mẹ Liệt Sĩ và được đảng và nhà nước trợ cấp tiền hàng tháng cho đến cuối đời. Tuy tiền trợ cấp cho mẹ liệt sĩ lúc đó rất ít ỏi, thậm chí chỉ đủ để mua rau thôi, nhưng mẹ tôi đã luôn luôn trân trọng và tự hào với những đồng trợ cấp ít ỏi đó: “Đây là những đồng tiền Hiếu Nghĩa mà con trai Hồng Ân của tôi đã giành lại để nuôi tôi đến trọn đời đó, cô ạ!” Mẹ tôi đã rưng rưng nói như thế với cô gái đã hàng tháng mang tiền trợ cấp liệt sĩ đến cho mẹ.

Ôi! Ước gì sư thầy kính yêu thời thơ ấu của tôi tái thế để dạy lại cho chúng tôi những điều thiêng liêng nhất về Đạo Hiếu! Để mỗi năm Tết Vu Lan tới, chúng tôi biết hướng trái tim mình về với hàng triệu Bà Mẹ Liệt Sĩ Viêt Nam thân thương.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Hà Nội, 6/6/2016
Phật tử Phúc Đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét