Mẹ tôi vốn đã bị mồ côi mẹ từ lúc 5 tuổi, mồ côi
cha từ năm 10 tuổi. Lớn lên mẹ tôi đã phải lang thang đây đó đi ở giúp việc cho
người nên mẹ rất thiếu thốn tình cảm. Tình cờ, mẹ đã gặp ba tôi là một người cộng
sản mới ra tù rồi cưới nhau, những tưởng được làm dâu ông bà nội tôi giàu có
thì bớt khổ. Ai ngờ ba tôi cứ thoát ly đi hoạt động cách mạng nay đây mai đó, một
mình mẹ tôi đã phải ở nhà bươn chải nuôi 5 thằng con trai khờ dại nên cơ cực vô
cùng.
Có lẽ vì thế mà anh Hai tôi đã sớm biết quan tâm
đến mẹ những lúc buồn vui, lúc đau ốm, lúc thiếu thốn gạo tiền...Mẹ đi đâu làm
gì anh ấy cũng hay quan tâm theo dõi. Vào một sáng tinh mơ tháng 11/1955, anh
Hai chợt thức giấc nhìn sang chỗ mẹ nằm không thấy mẹ đâu liền trở dậy đi tìm.
Tìm trong buồng, trong bếp, sau nhà vệ sinh...cũng không thấy. Cuối cùng anh ấy
đã thảng thốt hét lên khi nhìn thấy mẹ đã treo cổ tự tử bằng dây thừng phía sau
hiên nhà. Lúc đó, anh em chúng tôi mới biết và vùng thức dậy để cứu mẹ.
Sau khi hạ được mẹ xuống nền nhà ngang, chúng
tôi đã vội vàng đứa đốt lửa lá cau khô, đứa hà hơi thổi ngạt, đứa bôi dầu nóng
vào lòng bàn chân của mẹ rồi thắp nhang khấn Phật, cầu trời... Không biết có phải
do được trời Phật phù hộ hay do mẹ tôi vừa mới treo cổ chưa chết hẳn mà khoảng
vài chục phút sau mẹ tôi đã dần dần hồi tỉnh lại. Trưa hôm đó, mẹ tôi mới vừa
khóc vừa nói với chúng tôi rằng, mẹ muốn được chết đi để ba của chúng tôi sẽ trở
về nhà xin các Ông Đội trả lại thóc gạo khoai sắn cho chúng tôi khỏi bị chết
đói. Vì mẹ tôi biết, dạo đó ba tôi cũng là một “ông đội” đang công tác trong tỉnh
để tự cải tạo lập trường giai cấp của mình, nên nếu mẹ tôi mà chết thì ba tôi sẽ
được về.
Sau khi mẹ tôi tự tử không thành, anh em chúng
tôi đã phân công nhau đứa đi ăn xin, đứa đi ở cho bà con nông dân bên làng Công
Giáo...nên không ai bị chết đói cả. Riêng anh Hai tôi dạo đó đã phải vào đi ở
chăn trâu cho một trang trại trong núi nên mấy tháng sau anh ấy đã bị nhiễm bệnh
sốt rét rừng nặng đến mức ảnh hưởng trầm trọng đến cả gan, thận và thần kinh.
Vì vậy lớn lên, anh Hai tôi đã trở thành một người bị chứng rối loạn thần kinh,
thỉnh thoảng lại gào khóc hoặc có lúc trái tính gàn dở như người dở hơi. Từ một
người con rất biết yêu thương săn sóc mẹ, anh Hai đã trở nên khó bảo ương ngạnh
gàn dở nên ba mẹ tôi buồn lắm!
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, ba mẹ tôi
đã phải chịu biết bao thiếu thốn để nuôi cho anh Hai tôi vào được đại học. Vậy
mà khi đang học đến năm thứ tư đại học, anh Hai đã bỏ giữa chừng về nhà. Ai
khuyên anh ấy cũng không nghe. Sau khi về quê học cao đẳng sư phạm ra trường,
anh Hai đã đi dạy cấp II. Nhưng rồi cũng chỉ được khoảng chục năm anh ấy lại bỏ
dạy về nhà. May anh Hai tôi lúc bấy giờ có ông anh vợ đang có chức sắc ở huyện
nên phòng giáo dục huyện đã đồng ý làm sổ hưu cho để anh Hai tôi có chút lương
hưu. Nhưng anh Hai cũng đã từ chối với lý do “không đủ tiêu chuẩn”. Những năm
đó, ba tôi đã nghỉ hưu về ở nhà sống cùng với mẹ tôi và vợ chồng anh Hai nên việc
anh Hai tôi trái tính trái nết như thế đã làm cho ba tôi rất buồn. Ba tôi nói
gì, anh ấy cũng cãi lại mặc dù ba tôi rất ít lời.
Nhưng rồi có một sự kiện quan trọng xẩy ra đã
làm cho anh Hai tôi trở lại là một người con hiếu thảo như ngày anh còn nhỏ. Đó
là vào cuối năm 1988 đầu năm 1989, ba tôi đã bị ốm rất nặng. Sau 4 tháng nằm bệnh
viện tỉnh với chế độ săn sóc đặc biệt nhưng bệnh tình của ba tôi cứ ngày một nặng
thêm. Biết ba tôi không thể nào qua khỏi nên mẹ tôi đã đón cụ về săn sóc và điều
trị ngoại trú tại nhà. Dịp đó, tôi cũng xin nghỉ dạy mấy đợt để về săn sóc ba
tôi. Vào một buổi sáng đầu tháng 3/1989, ba tôi đã gọi cả tôi và anh Hai lại
bên giường bệnh của ba. Mắt ba rưng rưng lệ nhìn chúng tôi rồi vừa thở ra mệt
nhọc vừa nói ngắt quảng:
-Các con hãy tha lỗi cho ba! Ba là một người con
bất hiếu. Năm 1954-1955, ông bà nội của các con đã phải đi ăn xin cả năm trời rồi
bị chết đói mà ba đã không thể về giúp đỡ ông bà nội được, mặc dù dạo đó Đội của
ba cũng đang công tác tại huyện nhà. Thậm chí ngày ông bà nội của các con bị chết
đói, ba cũng biết mà đã không về được để chịu tang cha mẹ. Vậy là ba đã phạm trọng
tội bất hiếu đối với cha mẹ, các con ạ. Ngoài ra, ba còn là con thừa tự của ông
bà ông Bá Tường, chú họ của ba, là chủ của ngôi nhà thờ cổ 200 năm tuổi này. Nhưng
do ba đi hoạt động xa nhà nay đây mai đó nên đã nhiều năm ba không làm tròn
trách nhiệm của một người con thừa tự đối với ngôi nhà thờ cổ của các cụ để lại.
Vậy là ba đã phạm thêm tội bất hiếu đối với tổ tiên nữa. Ba mong các con sau
này sẽ không phạm phải tội bất hiếu như ba, để rồi phải dằn vặt suốt cả cuộc đời,
các con nhé! Giờ...thằng Hai hãy...đi tìm...ngay cho...ba...cuốn sổ...để...
Ba tôi thều thào nói đến đó rồi ngất xỉu nên
chúng tôi đã không thể hỏi thêm ba được gì nữa. Vài ngày sau, vào lúc 13h 45
ngày 5/3/1989, ba tôi đã vĩnh viễn ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của gia
đình và bà con lối xóm, hưởng thọ 79 tuổi.
Từ ngày ba tôi qua đời, anh Hai tôi bỗng có nhiều
thay đổi. Tự nhiên anh Hai chuyển sang ăn cơm gạo lứt muối vừng và rất chăm luyện
tập khí công. Anh Hai tôi cũng đã biết chăm sóc mẹ tôi chu đáo hơn và không còn
lời qua tiếng lại làm mẹ tôi buồn lòng như trước nữa. Đặc biệt, anh Hai đã
hương khói trong nhà thờ rất thành tâm vào những ngày giỗ chạp hay ngày rằm
mùng một. Ngày ba tôi vừa mất, anh Hai còn hỏi mẹ tôi về cái quyển sổ nào đó mà
ba tôi bắt tìm thì mẹ bảo đó là cuốn sổ của ba ghi chép về tên tuổi và những
ngày giỗ chạp của các cụ. May mà mẹ tôi đã thuộc làu sau bao nhiêu năm người đã
phải thay ba tôi thờ cúng trong nhà thờ nên anh Hai tôi đã làm lại một cuốn sổ
mới để ghi chép lời mẹ tôi truyền lại.
Sau nhiều năm cả nhà buồn vì một anh Hai gàn dở,
nay ai cũng ngạc nhiên là anh Hai đã biết nhẹ nhàng với mẹ tôi hơn trước. Mặc
dù không có đồng lương nào nhưng nhờ chăm chỉ cày ruộng, anh Hai đã cung cấp được
đủ lương thực cho cả nhà trong đó có cả mẹ tôi. Ngoài đồng ruộng, anh Hai trồng
lúa, trồng rau, trồng đậu để cho mẹ tôi và vợ con anh có cái ăn. Trong vườn nhà,
anh Hai nuôi gà để lấy trứng và ăn thịt mặc dù anh ấy chỉ ăn cơm gạo lứt muối vừng
và rau dưa thôi.
Khi cậu con trai của anh Hai xuống thị xã Hà
Tĩnh học cấp III, chị dâu tôi đã vay tiền bên ngoại mua một căn nhà nhỏ gần nhà
ngoại để nuôi con trai đi học. Bấy giờ, anh Hai tôi đã khuyên cô con gái vừa lấy
chồng ở lại nhà mình để cùng chăm sóc mẹ tôi. Vậy là từ năm 1998 trở đi, anh
Hai đã cùng vợ chồng đứa con gái chăm sóc mẹ tôi hết sức tận tình. Đặc biệt từ
năm 2003, mẹ tôi đã bị ngã gãy chân phải nằm liệt giường, vệ sinh tại chỗ. Từ
đó, việc lo cơm trưa, giặt quần áo, đổ bô cho mẹ chỉ có mình anh Hai tôi đảm
nhiệm vì con gái và con rể đều đi làm cả ngày, tối về chúng còn phải lo cơm nước
cho cả nhà và chăm sóc con nhỏ nữa.
Mẹ tôi càng già sức càng yếu và càng khó tính. Mọi
vất vả ngày càng dồn lên đôi vai gầy guộc của anh Hai tôi. Đêm nào anh Hai cũng
kê giường nằm cạnh giường mẹ để đỡ mẹ dậy đi vệ sinh rồi đổ bô. Vậy mà anh Hai
chỉ nhận lại được những lời phàn nàn từ sự đau đớn của mẹ trút xuống đầu anh thôi.
Anh Hai đã chăm sóc mẹ tôi nằm liệt giường như thế ròng rã 4 năm trời mà không
hề có một lời ca thán hay tỵ nạnh gì với chúng tôi cả. Tất nhiên trong đó cũng
có cả sự đóng góp to lớn của con gái và con rể của anh Hai tôi nữa.
Ngày 25/7/2007, khi con gái của anh Hai tôi về
bên ngoại để sinh đứa con thứ 2 thì anh Cả của tôi đã đón mẹ tôi xuống thị xã
Hà Tĩnh để chăm sóc. Mẹ tôi đã sống ở nhà anh Cả của tôi được thêm 2 tháng nữa
rồi người đã vĩnh viễn về đoàn tụ với ba tôi vào lúc 4h30 sáng ngày 26/9/2007,
hưởng thọ 95 tuổi.
Giờ đây, mặc dù vợ con của anh Hai
tôi cứ nằng nằng đòi anh ấy phải về thành phố Hà Tĩnh ở cùng vì năm nay anh Hai
cũng đã 76 tuổi rồi. Nhưng anh Hai vẫn tình nguyện ở lại trên quê tại xã Thạch
Lâm, huyện Thạch Hà để ngày đêm trông coi và hương khói cho ngôi nhà thờ cổ
thừa tự của các cụ để lại. Lẽ ra việc trông coi và thờ cúng nhà thờ là việc của
anh Cả tôi, nhưng vì anh Cả nay đã già lại đau yếu luôn nên không thể về ở đó
một mình được. Bởi việc người già mà ở một mình thì rất nguy hiểm. Năm 2010,
anh Hai tôi cũng đã một lần bị chảy máu dạ dày ban đêm suýt chết. Nếu như ngày
đó, hai đứa con của anh Hai tôi đã không hết lòng hiếu thảo ra sức tiếp máu sau
ca mổ dạ dày cấp cứu cho anh ấy, thì nay chắc là tôi đã không còn một anh Hai
hiếu thảo nữa rồi.
Chẳng hiểu ông trời có mắt không mà
anh Hai của tôi đã có được hai người con, một trai một gái đều giỏi và hiếu
thảo với mẹ cha. Cả hai vợ chồng cậu con trai đều là những thầy cô giáo cấp II
gương mẫu. Cô con gái là một dược sĩ phụ trách phòng dược của bệnh viện huyện.
Cả hai con anh Hai tôi đứa nào cũng có con trai, con gái và các cháu bé đều rất
ngoan. Theo con dâu tôi thì “Đấy là hoa thơm, trái ngọt của lòng hiếu thảo đó,
bố ạ!”
Vâng! Có lẽ là con dâu tôi đã nói
đúng. Bởi vì hành động của cha mẹ sẽ là tấm gương để cho con cái noi theo, đặc
biệt là về đạo hiếu làm người.
Hà
Nội, 18/6/2016
Phúc Đình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét