Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

XIN MỜI HƯƠNG HỒN CÁC ANH TRỞ VỀ QUÊ ĂN TẾT!

Đặng Huy Văn: Tình cờ đầu Năm Mới 2013 đi lên Sóc Sơn thăm bạn, tôi đã ghé vào một xã gần huyện lỵ để hỏi thăm người trung đội trưởng năm xưa tôi đã quen vào Mùa Đông 1966 có quê ở đây. Đến nơi, tôi mới biết anh ấy đã hi sinh năm 1968 trong chiến dich Tết Mậu Thân tại Huế! Ngôi nhà tuềnh toàng chỉ còn lại người vợ góa không có con. Mẹ cha anh cũng đã mất cách đây vài năm. Tôi đã ra tận Nghĩa Địa thắp hương cho anh trên “Nấm Mộ hờ” và băn khoăn không biết trên đất nước mình ở cả Hai Phía, đã có tới bao nhiêu ngôi mộ hờ và bao nhiêu bà mẹ, người vợ cô đơn như thế này mỗi khi Tết đến, Xuân về?

Bài viết này chỉ như là một nén nhang muốn được thắp lên mộ của tất cả những người lính Việt Nam ở cả Hai Phía đã ngã xuống một cách đau thương trong cuộc Nội Chiến thảm khốc nhất Lịch Sử Việt Nam chủ yếu do sự xúi dục của người bạn láng giềng đưa lại, nhằm thực hiện âm mưu đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng của Mao Trạch Đông. Lạy Chúa! Cầu Trời để lịch sử nước nhà sẽ không bao giờ phải lặp lại những đớn đau như thế này thêm một lần nữa!


XIN MỜI HƯƠNG HỒN CÁC ANH TRỞ VỀ QUÊ ĂN TẾT!

Tình cờ được gặp anh vào Mùa Đông năm 66
Trên Suối Mỡ, Bắc Giang khi anh chuyển quân về[1]
Cùng với cả Sư Đoàn tạm dừng chân “an dưỡng”
Để gần tết Đinh Mùi tiến vào chiến trường “B”

Ôi lính của anh trẻ măng! Tuổi chưa đầy 18
Có người còn xưng em với các nữ sinh viên
Nét mặt thật thơ ngây đi dày còn ngượng nghịu
Mới rời quê đầu quân mặc áo lính chưa quen

Do đã 3 năm tuổi quân nên anh được làm trung đội trưởng
Anh đã chỉ cho tôi nhà anh, qua Núi Đôi xuôi huyện lỵ Sóc Sơn
Anh còn đọc nhiều lần bài “Núi Đôi” về mối tình một thuở[2]
Của cô du kích đã dâng hiến tuổi 20 rồi nước mắt rưng rưng!  

Ngày chia tay, anh ôm chặt tôi và bật khóc
Anh An ơi! Sao Trời cho ta chỉ hai tháng quen nhau!
Sau những đêm giao lưu lúc xem phim, nghe thời sự...
Cùng những anh “bộ đội Cụ Hồ” mới qua tuổi chăn trâu

Sau Mậu Thân, đơn vị anh bị phản kích chết không tìm thấy xác
Không biết trên Sông Hương hay giữa Phú Văn Lâu?
Trong những hầm mộ chôn chung hay xác thân vụn nát?
Do bị bom vùi lấp hay bị quẳng xác dưới chân cầu?

Ôi lạy Chúa! Vậy mà hôm nay về quê anh tôi mới biết
Dẫu chưa quá đỗi thân quen vẫn quặn thắt lòng đau!
Nuôi cha mẹ bấy nhiêu năm chỉ mình vợ anh lo liệu
Mà chị đâu có đứa con nào để nương tựa về sau!

Hơn bốn mươi năm lần tìm mà chưa thấy xác chồng đâu!
Để cha mẹ đợi tới già, chết vẫn không nhắm mắt!
Để các bạn anh vào tận bờ Sông Hương bới đất!
Làm người vợ góa tảo tần mặc mãi chiếc áo nâu!

Những ngày Nhâm Thìn tàn đông anh ơi trời lạnh lắm!
Tôi đang đứng đây giữa một Nghĩa Địa của quê anh
Nơi mộ mẹ, mộ cha đã được bà con xây ngay ngắn
Còn ngôi mộ rỗng kề bên đang dành đợi đón anh!

Vẫn có những nhành hoa trên ngôi mộ không xương cốt
Vào mùng một ngày rằm của một “bà trẻ” áo nâu
Năm nào cũng đặt nắm cơm trên “mộ anh” thảng thốt
“Anh ơi về ăn tết cùng em cho vợi bớt buồn đau!”

Ôi đất nước vẫn còn nhiều những “ngôi mộ hờ” như thế!
Từ Hai Phía bắn giết nhau hơn hai chục năm trời!
Hàng vạn mộ không xương hoặc không ai cúng bái
Từ Biên Giới Việt Trung đến Hải Đảo xa xôi!

Xuân Quí Tỵ đến rồi! Hỡi hương hồn của các anh yêu dấu!
Xin mời về ăn tết với đồng bào để phù hộ quê hương!
Đất liền hết giặc rồi nhưng biển đảo còn tranh đấu
Quyết đòi lại Hoàng Sa về Đất Mẹ yêu thương!

Hỡi hương hồn anh! Tận Chốn Bồng Lai anh có biết?
Ở Phía Bên Kia biết bao nhiêu bà mẹ vẫn ngậm ngùi!
Con chết trận mộ còn đây nhưng không ai thăm viếng
Để mẹ già cô đơn Tết buồn lắm anh ơi!

Ai đã gây ra những đớn đau này cho Dân Tộc?
Xin Mẹ Âu Cơ và các Vua Hùng chỉ giáo các con dân!
Và kêu gọi Người Việt Bốn Phương đoàn kết lại
Để đuổi sạch bọn cướp nước Phương Bắc
Diệt hết lũ bất nhân!  

Hà Nội, 3/1/2013
Ts. Đặng Huy Văn

[1]. Suối Mỡ thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang có thung lũng Đá Vách hiểm trở kín đáo có thể tập trung được cùng lúc vài sư đoàn bộ đội ở đây để huấn luyện và an dưỡng mà máy bay Mỹ rất khó phát hiện. Cuối năm 1966, lớp học của tôi cũng sơ tán về đây nên tôi được quen người trung đội trưởng tên là An đó.

[2]. Bài thơ “Núi Đôi” của nhà thơ Vũ Cao là một bài thơ nổi tiếng nói về mối tình của một anh bộ đội chống Pháp với một cô du kích 20 tuổi hoạt động trong lòng địch. Khi hòa bình lập lại, 20/7/1954, anh tìm về quê thì mới hay tin nàng đã bị giặc Pháp bắn chết cách đó bốn tháng! Bài thơ này hầu như anh bộ đội nào trong chiến tranh cũng thuộc.


1 nhận xét:

  1. WWW.SACHHIEM.NET
    WWW.XICHLOVIET
    WWW.KBCHAINGOAI.COM
    WWW.LOAPHUONG.COM
    YOUTUBE ;PHỐ BOSSLA TV

    Trả lờiXóa