Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

GIỚI THIỆU CHÙM THƠ CỦA ĐẶNG HUY VĂN

Nhà thơ, Tiến sĩ Mai Bá Ẩn, Bichkhe.org
 
 Vào những ngày đầu năm 2012, Đặng Huy Văn - Một Tiến sỹ Toán học, một nhà giáo đã về hưu đang sinh sống tại Hà Nội đã gửi đến Bichkhe.org những lời tâm sự đau đáu về những buồn vui cuộc đời. Một đời nghề dành cho Toán học nhưng hình như một đời người của Đặng Huy Văn lại dành cho thơ, cho dù, anh từng thú nhận: “Trước ngày 24/11/2011, chưa bao giờ gửi đăng thơ (hôm đó gửi bài "Tình bay như khói sương" cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đơn giản chỉ để nhờ anh ấy gửi dùm cho chị Ngô Vũ Dao Ánh vì tôi không có địa chỉ của chị ấy). Đó cũng là bài thơ đầu tiên đăng trên mạng”. Trong thư, anh có đề nghị chúng tôi chỉ giới thiệu đơn giản rằng:  "Đặng Huy Văn là một giảng viên đại học tại Hà Nội, thích làm thơ yêu nước"  thôi. 

Nhưng đọc hơn 10 bài thơ anh gửi về, chúng tôi lại nhận thấy rằng: Thơ anh dù viết về đề tài nào cũng đau đáu trong lòng một tình yêu nước, yêu đời, đều hướng đến giá trị Chân - Thiện - Mỹ vĩnh hằng mà nhân loại cần hướng đến. Anh có những câu thơ xa xót về biển đảo quê hương. Tôi thực sự yêu những câu thơ da diết của anh về đảo: Đảo Gạc Ma kia rồi!/ Hòn Vọng Phu đợi mãi/ Sao Anh không về lại/ Chỉ một lần yêu thôi?// Trên biển xác Anh trôi/ Máu thắm cờ đỏ rực/ Nhớ Len Đao mẹ khóc/ Tưởng Anh còn trong nôi!”. Viết về Trường Sa đầy âm vang biển sóng, thơ Đặng Huy Văn có sức nối dài về bề sâu và lay động mạnh đến cả lịch sử bốn nghìn năm bi tráng của dân tộc anh hùng: “Giữ Trường Sa, con trai đầu ngọn sóng/ Hòn Vọng Phu đợi mãi cuối chân trời! / Giữ Hoàng Sa, con gái cưng trong mộng/ Đã dạn dày qua bão tố, em ơi!”. Đọc những bài thơ anh viết về hai Nhạc sĩ lừng danh Văn Cao và Trịnh Công Sơn, tôi nhận ra, trong con người Toán học ấy một rung động nghệ thuật sâu sắc đặt trên cơ sở nhân cách và tài hoa của người làm nhạc. Thơ anh không những rung động về nhạc mà còn (chủ yếu) rung động về “nhân cách âm nhạc”. Với “bác” Văn Cao, anh thổ lộ: “Yêu nước thương nhà hồn khắc khoải/ Yêu bè quí bạn biển đầy vơi/ Nếu như ai cũng như đời bác/ Cõi Niết Bàn đâu chỗ bác ngồi!”. Văn Cao rung động anh bằng tình yêu nước thì Trịnh Công Sơn lại cảm hóa anh bằng sự đồng cảm đến nao lòng: “Có đôi lần thấp thoáng những lời ca/ Mà người khác nhận bóng mình trong đó/ Em chỉ âm thầm giở từng trang thư cũ/ Đã nâng niu gìn giữ tự bao năm!”. 

Thơ anh hay khi viết về những lắng đọng ở bề sâu đã được đúc kết, chiêm nghiệm. Thơ anh cũng còn những câu kể khi viết về những vấn đề thời sự bộn bề. Tôi yêu những câu thơ thấm lắng chiều sâu và tôi quý những câu “kể” thấm một tình yêu nước. Bichkhe.org xin giới thiệu chùm thơ 5 bài của tác giả Đặng Huy Văn cùng bạn đọc trong, ngoài nước (TS Mai Bá Ấn)

LÁ THƯ TỪ TRƯỜNG SA
( Mến tặng nhà báo LH)
Trường Sa đang chờ em
Mang mai vàng ra đảo
Cùng trăm ngàn trang báo
Anh thức đợi ngày xem

Năm trước chia tay em
Vào đúng ngày giáp tết
Ôi làm sao em biết
Trái tim người quặn đau!

Sinh Tồn sóng lao xao
Chờ em trong gió lạnh
Sơn Ca nằm chiêm bao
Tết này em lại đến!

Anh sẽ chở mình em
Bằng thuyền quanh quần đảo
Để em biết quê mình
Bao ngọc ngà châu báu!

Và đã từng thắm máu
Ông cha biết bao đời
Nếu như không có họ
Đảo sao còn em ơi?

Đảo Gạc Ma kia rồi!
Hòn Vọng Phu đợi mãi
Sao Anh không về lại
Chỉ một lần yêu thôi?

Trên biển xác Anh trôi
Máu thắm cờ đỏ rực
Nhớ Len Đao mẹ khóc
Tưởng Anh còn trong nôi!

Tiếng Anh thét đêm đêm
Làm Cô Lin chợt thức
“Thà hy sinh giữ đảo!”(1)
Trước Cờ Đỏ Búa Liềm!

Ơi anh Phương thương nhớ!
Ai sẽ dựng tượng Anh
Bên Vọng Phu ngàn thuở
Cho xuân đời mãi xanh?

Chở em sang Đá Tây
Hải đăng hiên ngang đứng
Đảo chìm nay sừng sững
Gió phần phật cờ bay!

Sẽ ghé thăm Đá Lát(2)
Bãi xác tàu còn đây
Hồn chiến binh trên cát
Cùng giữ đảo đêm ngày!

Quay về Trường Sa Lớn
Phong Ba gió thôi bay
Chia tay anh sẽ tặng
Quả Bàng Vuông khô này!

Ôi!  Giá chi anh được
Cùng em tay nắm tay
Để xây đời hạnh phúc
Gìn giữ nước non này!

       
Hà Nôi, 24/12/2011
Đặng Huy Văn

(1)   Thiếu úy Liệt Sỹ Trần Văn Phương khi ngã xuống trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, trước giặc thù TQ  xâm lược đã hô to: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo!”. Trong trận Hải Chiến Trường Sa năm 1988 ấy, chúng ta có 64 chiến sĩ đã hi sinh.
(2)    Sinh Tồn, Nam Yết, Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, Đá Tây, Đá Lát, Trường Sa Lớn...là tên một số các đảo nổi và đảo chìm trên quần đảo Trường Sa, trong đó Gạc Ma và Len Đao đã bị quân Trung Quốc cưỡng chiếm trong Hải Chiến Trường Sa 14/3/1988. Hòn Vọng Phu thuộc Núi, Bà Bình Định nhìn thẳng ra Trường Sa.

TÌNH BAY NHƯ KHÓI SƯƠNG

 ( Mến tặng chị Dao Ánh)

Từ B’lao lãng đãng khói sương
Ngàn nỗi nhớ anh gửi vào trong gió
Về Huế mộng mơ với em gái nhỏ
Tuổi trăng tròn nuôi mộng đẹp trăm năm!

Còn tuổi nào để anh gửi cho em
Những trang thư chứa chan tình đôi lứa
Cùng nốt nhạc viết nên thiên tình sử
Của hai ngươi về mãi chốn xa xăm

Có đôi lần thấp thoáng những lời ca
Mà người khác nhận bóng mình trong đó
Em chỉ âm thầm giở từng trang thư cũ
Đã nâng niu gìn giữ tự bao năm!

Cho Mưa hồng, Như cánh vạc bay đêm
Gọi tên bốn mùa, Tuổi đá buồn bật khóc!
Cho cô đơn nâng niu từng nốt nhạc
Để hư vô ngơ ngác khói sương bay

Phúc âm buồn xao xuyến tuổi thơ ngây
Lời buồn thánh lưu luyến bàn tay nhỏ
Em hờn dỗi hay hẹn hò ai đó?
Chiều một mình qua phố nhớ tên em!

Em còn nhớ hay em đã quên
Xin trả nợ người, trả một đời đâu hết?
Tình sâu nặng tưởng có thời ly biệt
Vẫn nồng nàn như chưa phút nào nguôi!

Cho dù nay, anh đã ở cuối trời
Vẫn viết tiếp ru em vào giấc ngủ
Bởi kiếp trước anh còn chưa viết đủ
Cho tình em trinh trắng tuổi trăng rằm!

Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi,... em là thiên thần nhỏ!
Xuống bên đời hát Ru mãi ngàn năm(*)
Cho sương khói phiêu diêu bãng lãng cõi anh nằm...

 Hà Nội, ngày 4 tháng 11 năm 2011
 Đặng Huy Văn

(*) Những dòng chữ in nghiêng và đậm là tên các bài hát mà Trịnh Công Sơn viết tặng riêng chị Dao Ánh.



KÍNH VIẾNG BÁC VĂN CAO

Chót vót Thiên Thai bác cứ ngồi
Đói no chẳng quản vẫn rong chơi
Mặc ai ghen ghét, cười nửa miệng
Kệ xác cường quyền với Thiên Lôi
Yêu nước thương nhà hồn khắc khoải
Yêu bè quí bạn biển đầy vơi
Nếu như ai cũng như đời bác
Cõi Niết Bàn đâu chỗ bác ngồi!

Ngày tất niên 31/12/2011
 Đặng Huy Văn


        LỜI THỀ HÒN VỌNG PHU

         Mẹ con nàng đứng bên nhau
Nhìn ra biển biếc thắm màu thời gian
          Núi Bà, Bà đứng thi gan
Giặc Tàu mà đến, xé tan xác Tàu!

         Trường Sa sóng vỗ bạc đầu
Chàng đi giữ đảo biết bao giờ về?
         Vọng Phu thêm một lời thề
Hoàng Sa yêu dấu phải về Nước Nam!

         Trường-Hoàng là nghĩa tao khang
Thương nhau thương cả họ hàng anh em
         Nắm tay con giữ ngày đêm
Mong chàng ngoài đảo càng thêm vững lòng!

         Đời nay con cháu Vua Hùng
Rủa Tàu nham hiểm điên khùng “Cút đi!”
         Giặc tan chàng hãy quay về
Ngàn năm xin giữ lời thề thủy chung!
         
          Ngày cuối năm, 30/12/2011
                   Đặng Huy Văn

GHI CHÚ:  Hòn Vọng Phu thuộc Núi Bà ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định nhìn thẳng ra Quần Đảo Trường Sa, thời  Tây Sơn đã coi Núi Bà  là một vọng gác quan trọng có tên là “Vọng Hải Đài”.


CHO ANH TẠ LỖI BIỂN ĐÔNG ƠI

Biển Đông ơi,
Chưa bao giờ anh hết yêu em
Như tình yêu nhiều kiếp dồn tụ lại!

Anh yêu em gió nồm nam mát rượi
Những hoàng hôn trăng đội sóng xô nghiêng
Yêu Bắc Đẩu hằng đêm cao vời vợi
Soi thuyền anh đi giữ đảo linh thiêng

Giữ Trường Sa, con trai đầu ngọn sóng
Hòn Vọng Phu đợi mãi cuối chân trời!
Giữ Hoàng Sa, con gái cưng trong mộng
Đã dạn dày qua bão tố, em ơi!

Tưởng biển lặng, sóng yên bền vững được
Có ai ngờ Tết Giáp Dần năm trước(*)
Người láng giềng từng thân thiết của anh
Đã cưỡng đoạt em và con bằng vũ lực!
Khi anh còn dang dở cuộc chiến tranh

Anh ơi,
Sao khi giặc cướp Hoàng Sa thân yêu nhất
Anh đã không kêu lên để cứu mẹ con em?
Sao anh chỉ đứng nhìn hai mẹ con gào thét
Trong tủi nhục, hờn oan, đau xé tim gan?

Em đã trao dâng cá tôm, muối mặn mấy ngàn năm
Để nuôi lớn những người con kiên cường và dũng cảm
Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung, Trần Quốc Tuấn...
Khiến Quân Tàu phải nể phục Nước Nam!

Vậy anh hãy để cháu con chấp nhận được
Là người cha từng biết gìn giữ nước
Của Tổ Tiên truyền lại tự ngàn đời!”
Lời em yêu hay lời đảo xa xôi?

Nay anh đã biết lỗi rồi, em ơi đừng nói nữa!
Xin em hãy vì tình yêu của chúng ta ngàn thuở
Mà cho anh tạ lỗi Biển Đông ơi!

 Hà Nội, 25/11/2011
  Đặng Huy Văn
                 (*) Ngày 19/1/1974 (tức ngày 27 Tết Giáp Dần), Quần Đảo Hoàng Sa của chúng ta đã bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm bất hợp pháp. Trong trận Hải Chiến Hoàng Sa đó, đã có 74 người lính Việt Nam Cộng Hòa hy sinh.















Nguồn: www. bichkhe.org



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét